Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực thi pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất dùng cho mục đích công cộng, đất tại các nông, lâm trường, dự án BT, BOT.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, gây bức xúc trong Nhân dân; kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng; chấn chỉnh việc sử dụng, quản lý đất ven sông, ven biển...
Bên cạnh đó, ngành phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng về môi trường.
Các đại biểu nhấn nút thông qua sáng 15/6. Ảnh: N.Y.
Rà soát, theo dõi chặt chẽ hoạt động xả thải; xử lý có hiệu quả tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, suối, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven sông, ven biển; quản lý chặt chẽ tài nguyên nước theo pháp luật.
Thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019
Cụ thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.
Về dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, một số ý kiến đề nghị nên giám sát quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại các đô thị trực thuộc trung ương, tại 3 khu vực chuẩn bị làm đặc khu kinh tế; bổ sung thêm nội dung giám sát về việc đầu cơ đất đai, việc nước ngoài mua đất thông qua người Việt Nam; bổ sung vấn đề quy hoạch treo, đất đã giao nhưng sử dụng sai mục đích... Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những vấn đề này đã nằm trong nội dung chuyên đề giám sát; do đó, xin được giữ như Dự thảo.
Về dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, có ý kiến cho rằng, nội dung chuyên đề này không cần Quốc hội giám sát tối cao mà chỉ cần tiến hành giám sát ở các Ủy ban, hoặc có thể yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các thành phố lớn giám sát; đề nghị Quốc hội giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng thua lỗ, đội vốn nhiều....
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khi trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát năm 2019, hai chuyên đề nêu trên đã được đa số đại biểu nhất trí lựa chọn và đã được đưa vào Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; các nội dung được đại biểu đề xuất bổ sung nêu trên không nằm trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 (Nghị quyết số 59/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019). Do vậy, xin được giữ như Dự thảo.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào mục “cơ quan chịu sự giám sát ở Trung ương” ở cả 2 dự thảo Nghị quyết để các cơ quan này báo cáo Đoàn giám sát bảo đảm tính toàn diện; khi chọn địa phương để 2 Đoàn giám sát tiến hành giám sát thực tế thì không nên chọn 2 nội dung giám sát ở cùng một địa phương nhằm tránh quá tải cho địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và bổ sung vào Nghị quyết; đồng thời, sẽ chỉ đạo điều hòa, cân đối thời gian và địa phương Đoàn giám sát làm việc cho phù hợp.
V.H (t/h)