Tăng cường kết nối phòng ngừa tai nạn lao động
Cùng với việc đóng đầy đủ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ - BNN) cho NLĐ thì các doanh nghiệp cần phát huy vai trò của đội ngũ an toàn vệ sinh viên (ATVSV), từ đó phòng ngừa TNLĐ. Trong sản xuất, dù làm công việc đơn giản hay phức tạp thì NLĐ khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra. Vì vậy, cùng với việc đóng đầy đủ bảo hiểm TNLĐ - BNN cho NLĐ thì các doanh nghiệp cần phát huy vai trò của đội ngũ ATVSV, từ đó phòng ngừa TNLĐ.
Đối với NLĐ thì kiến thức, kỹ năng, phương tiện bảo hộ để phòng ngừa TNLĐ là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN cũng là một “điểm tựa” cho NLĐ trong trường hợp xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, hiện không ít NLĐ không có đủ những điều kiện “cần” này; thậm chí rất nhiều lao động vừa thiếu kiến thức, kỹ năng, phương tiện bảo hộ lao động, vừa không được tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN. Hệ lụy của tình trạng “nhiều không” đối với NLĐ khi xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất là vô cùng lớn.
Giàng Văn Xanh và Sèn Văn Hùng (cùng sinh năm 2000, ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) làm thợ xây. Sáng ngày 9/1/2022, khi hai anh em đang lắp ván cốp pha để chuẩn bị đổ kè bê tông làm nền nhà thì bất ngờ đất, đá đổ xuống vùi lấp khiến hai anh em tử vong.
Tập huấn an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho ATVSV đang làm việc tại các doanh nghiệp.
|
Do không có Bảo hiểm xã hội (BHXH) nên gia đình Xanh và Hùng chỉ được địa phương hỗ trợ một phần kinh phí nhỏ để an táng. Trong khi đó, nếu có BHXH, được đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN thì gia đình của Xanh và Hùng sẽ được BHXH chi trả một phần để chia sẻ rủi ro.
Theo Luật ATVSLĐ năm 2015 và Luật BHXH năm 2014, trường hợp NLĐ phi chính thức nhưng có đóng BHXH được xác định là chết do TNLĐ thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng quyền lợi do BHXH chi trả. Cụ thể, Điều 53, Luật ATVSLĐ quy định, nếu chết do TNLĐ thì thân nhân được trợ cấp một lần bằng mức lương cơ sở x 36. Với mức lương cơ sở hiện đang áp dụng là 1,49 triệu đồng thì thân nhân sẽ được chi trả 53.640.000 đồng; cùng với đó là một số chế độ khác.
Trong trường hợp Xanh và Hùng là công nhân của một đơn vị sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động sẽ chi trả. Theo đó, Khoản 4 và khoản 5, Điều 38, Luật ATVSLĐ 2015 quy định, nếu như xác định TNLĐ không hoàn toàn do lỗi của NLĐ thì người sử dụng lao động sẽ chi trả ít nhất 30 tháng tiền lương; nếu do lỗi của NLĐ thì sẽ chi trả ít nhất bằng 40% mức trên (tương đương 12 tháng tiền lương).
Tăng cường kết nối
Thực tế, không một ai mong muốn xảy ra TNLĐ; nhưng trong sản xuất, dù làm công việc đơn giản hay phức tạp thì NLĐ khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra. Đặc biệt khi mà kiến thức, kỹ năng bảo ATLĐ của NLĐ vẫn còn nhiều hạn chế thỉ sự cố TNLĐ luôn tiềm ẩn.
Triển khai Luật ATVSLĐ, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng thực thi nhiều biện pháp, nhằm giảm thiểu rủi ro về ATLĐ. Nhờ đó, những năm gần đây, tần suất TNLĐ ở nước ta giảm trung bình gần 5% mỗi năm. Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động vẫn cao.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, riêng năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 6.500 vụ TNLĐ, làm hơn 6.600 người bị nạn. Đa số nạn nhân làm việc thời vụ hoặc làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động. Trước đó, trong năm 2020, cả nước xảy ra 8.380 vụ, làm 8.610 người bị nạn với hơn 960 người tử vong.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó lỗi chủ yếu thuộc về người sử dụng lao động, tiếp đến là lỗi của NLĐ, số còn lại do các nguyên nhân khách quan khác. Điều này cho thấy, việc cần làm bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân thủ quy định bảo đảm ATLĐ thì cũng cần kết nối phòng ngừa TNLĐ, trong đó cần chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ ATVSV.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 190.000 ATVSV, chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp lớn, có nguy cơ cao về TNLĐ. Những doanh nghiệp này làm rất tốt công tác bảo hộ lao động, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức của NLĐ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự an toàn khi làm việc.
Tuy nhiên, như chia sẻ của bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện lực lượng ATVSV còn rất khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp chủ động xây dựng mạng lưới ATVSV chỉ chiếm khoảng 15-20%, còn lại đến 80% các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp làm dịch vụ hoặc là có ít LĐ, vẫn chưa quan tâm đến việc này.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để đẩy lùi TNLĐ, đảm bảo ATVSLĐ, cần thiết phải phát triển cả về số lượng và chất lượng mạng lưới ATVSV ở trong doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp chưa có ATVSV phải thành lập đội ngũ này ngay để điều kiện làm việc tại nơi đó được tốt hơn; đồng thời phải có cơ chế xử phạt các doanh nghiệp nếu không xây dựng mạng lưới ATVSV.