Tăng cường biện pháp an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 9 tháng năm 2022, cơ quan này đã giải quyết cho 69.696 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; trên 8,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Nhờ đó, đã hỗ trợ nhiều người lao động chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình khi gặp sự cố tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng.
Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các năm gần đây, những mất mát về vật chất, bệnh nghề nghiệp do tai nạn lao động gây ra tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 3.908 vụ tai nạn lao động (tăng 296 vụ, tương ứng với 8,19% so với cùng kỳ năm ngoái), làm hơn 4.000 người bị nạn. Tổng số vụ tai nạn lao động này xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Hậu quả gây hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra gồm các chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...là trên 2.449 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 48.579 ngày.
Đảm bảo ATLĐ cần được các doanh nghiệp luôn coi là ưu tiên hàng đầu |
Tại lễ phát động Tháng An toàn vệ sinh lao động hồi cuối tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhận định, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu.
Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, dù tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người lao động được làm việc trong những điều kiện an toàn, đảm bảo vệ sinh, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần.
Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 – 2025 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, có trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật…
Để giữ an toàn cho người lao động trong bối cảnh mức trần làm thêm giờ đã tăng từ 40 giờ lên 60 giờ mỗi tháng ở tất cả ngành nghề, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, đi kèm với đó cần tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.
Chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đó là phát huy vai trò của mạng lưới an toàn viên. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các cấp công đoàn Quảng Ninh đã thực hiện rất hiệu quả. Theo số liệu báo cáo thống kê từ các cấp công đoàn trực thuộc LĐLĐ tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã có 571 lượt cơ sở thành lập mạng lưới an toàn viên, với tổng số 6.234 lượt an toàn viên cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh hiện đang quản lý vận hành 25 nhà máy xử lý nước mặt và 20 giếng ngầm, tổng số CBCNLĐ là gần 1.400 người làm việc trải dài từ Đông Triều đến Móng Cái nên nguy cơ rủi ro rất cao. Vì thế, ATVSLĐ được coi là công tác đảm bảo an toàn, tính mạng sức khỏe người lao động.
Theo bà Thanh - Đội ATVS của công ty được lựa chọn ra từ những người có năng lực chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao và có sự tín nhiệm cao nhất của các thành viên trong tổ/trạm và được tăng cường, kiện toàn và đào tạo hằng năm. Ngoài ra, Công đoàn cũng thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ đến CNLĐ và tham gia “Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi”. Đây là hình thức tuyên truyền sát thực nhất về công tác ATVSLĐ.
Qua hoạt động của mạng lưới ATVS, nhiều ý kiến, kiến nghị về điều kiện, môi trường làm việc chưa đảm bảo; việc thực hiện chế độ bảo hộ lao động chưa đúng, chưa đủ; việc vi phạm của người lao động... được người sử dụng lao động kịp thời điều chỉnh theo đúng các nội quy, quy định. Đa số các mạng lưới hoạt động có hiệu quả.
Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều văn bản, chỉ đạo liên quan đến công tác ATVSLĐ; bản thân các doanh nghiệp cũng có riêng những nội quy, quy chế nhằm hướng đến một môi trường làm việc an toàn, xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, về phía tổ chức công đoàn đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết như: Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/1/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khoá XI về “Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”; Chỉ thị số 04/CT-TLĐ ngày 3/3/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh thống nhất nội dung, biện pháp, chương trình cụ thể về triển khai các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo về công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến, ngày càng được người sử dụng lao động quan tâm như: Củng cố, kiện toàn Hội đồng ATVSLĐ, mạng lưới ATVSV; xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể có các nội dung về ATVSLĐ; các phương án và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phòng chống cháy nổ; bồi dưỡng bằng hiện vật; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác huấn luyện về ATVSLĐ...