Tâm sự quặn lòng của người mẹ một mình chăm con ung thư vòm họng: “Bé mới đón trung thu lần đầu trong viện, không biết còn có lần sau”
Đó là tâm sự chua xót của chị Trần Thị Mỹ Hạnh (32 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, tỉnh Bình Thuận). Nhiều ngày qua, một mình chị rời quê nhà để chăm con gái 7 tuổi tội nghiệp.
6 tháng trước, bé Cú Thị Yến Nhi phát hiện bị ung thư vòm họng mà không có dấu hiệu gì rõ ràng ngoài những cơn ho khan.
Từ BV địa phương, bé gái được chuyển lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1. Trước tình trạng quá nặng, sau khi phẫu thuật 2 lần bé được chuyển sang BV Ung bướu TP.HCM điều trị tiếp.
"Qua bên đây bé được hóa trị 5 toa rồi nhưng BS bảo con em không đáp ứng thuốc, bệnh nó ngày một nặng hơn. Tiền thì cũng tốn nhiều rồi nhưng quan trọng là con em mệt lắm. Lúc nào đau là nó không ngủ được, mình làm mẹ còn đau hơn nữa. Chồng em ở nhà phải lo đi phụ hồ gởi từng đồng lên đây, không biết còn cầm cự được đến bao giờ" – chị Hạnh nghẹn ngào kể.
Một bệnh nhi tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Những ngày trung thu cận kề, nhiều mạnh thường quân, tổ chức từ thiện và phòng Công tác xã hội đã cùng lên khoa Nhi, BV Ung Bướu để tổ chức trung thu cho các cháu nhỏ vui chơi.
Nhiều trẻ đã có thâm niên điều trị dài hạn tại đây.
Còn quá nhỏ để hiểu hết những nỗi đau mà mình đang mắc phải nên sau những cơn co giật, vào thuốc ê ẩm khắp người, các bé khóc hết nước mắt rồi lại hào hứng với những món đồ chơi. Bé Yến Nhi cũng không là ngoại lệ.
Nhưng có nhiều em mới chỉ có một mùa đón trung thu trong viện.
"Cả tuần nay nhiều nơi vào phát lồng đèn, bánh trung thu cho các cháu lắm. Có cả tiền nữa. Bé Nhi con em vui lắm. Mấy năm trước lúc chưa bị bệnh, mùa trung thu nào em cũng mua cho bé lồng đèn.
Năm nay là năm đầu tiên mẹ con em đón trung thu trong viện. Nhưng bệnh bé nặng vậy, không biết có còn lần sau…" – người mẹ nói chưa dứt câu thì khựng lại vì biết lỡ lời.
Những bà mẹ đón trung thu cùng con trong bệnh viện.
Bây giờ, điều chị có thể làm trong tầm tay là lạc quan, giữ sức khỏe để chiến đấu cùng con. Không chỉ cho bé Yến Nhi, mà còn cho con gái 2 tuổi đang gửi bà ngoại già ở nhà chăm sóc.
Những chiếc lồng đèn trung thu không che được nỗi lo của cha mẹ bệnh nhi.
Với trẻ em hiện đại thì ngoài quà bánh, đồ chơi, chiếc điện thoại là thứ mà các bé rất ưa thích.
Đã có "thâm niên" đón trung thu trong viện nên khác với người mẹ quê Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Kim Tiền chỉ cố lạc quan trước mặt con, quay đi là dòng lệ chực chờ trên đôi mắt đỏ hoe.
Những ngày gần đây, không khí trung thu đã ùa về khoa Nhi, BV Ung Bướu TP.HCM.
"Con em mới sinh ra đã khuyết tật và viêm phổi nặng, ở BV nhiều hơn ở nhà. Chữa bệnh phổi chưa xong thì lên 2 tuổi BS nói bé bị ung thư xương, não đã tổn thương. Bé xạ trị được 10 lần rồi, thuốc thì 1 tuần xài 1 lọ 1.5 triệu, khi nào nặng tốn nhiều hơn.
Vợ chồng em làm ruộng đâu có bao nhiêu tiền, nhưng vì con phải ráng mà theo" – người phụ nữ cầm phong bì tiền vừa được đại diện một tờ báo vào tặng vui Trung thu, mắt nhòe đi.
Những người làm cha mẹ tại đây chỉ muốn tặng con món quà lớn nhất là sức khỏe.
Bé gái vừa được tặng quà trung thu nhưng vẫn nằm dài vì quá mệt.
Đó dường như là tình cảnh chung của rất nhiều ông bố, bà mẹ đang nuôi con bạo bệnh tại khoa Nhi, BV Ung Bướu. Mỗi ngày, tiếng khóc la, tiếng vào thuốc dường như đã thành hồi chuông báo thức, kéo họ trở về thực tại và phải sống vì con.
Để phần nào xua đi bệnh tật, trần hành lang khoa Nhi được các nhân viên BV giăng đèn hoa trung thu rực rỡ.
Trong khi đó, cô bé này đòi mẹ đưa vào phòng vui chơi với các bạn cho bằng được.
Đứng ngoài lớp kính mờ, nét mặt phụ huynh cũng giãn ra khi thấy các con vui tươi.
Một cậu bé đứng ngẩn ngơ nhìn các bạn chơi trò chơi.
Những đứa trẻ tạm quên bệnh tật để vui trung thu.
Những cô, cậu bé dù trên tay còn đeo ven truyền dịch, truyền máu nhưng khuôn mặt đều hớn hở đòi cha mẹ đưa đến chỗ phát lồng đèn. Đó cũng là lúc mà cảnh tượng khiến ai nấy cũng đều xúc động hiện lên: Phụ huynh một tay cầm chai dịch truyền, một tay dắt con đi vui trung thu cùng các bạn.
Lạc quan là món quà người lớn dành tặng cho chúng.
Một người mẹ cầm bọc nước tiểu cho con vui cùng các bạn.
Tiếng khóc than, tiếng đọc tên đi truyền dịch tạm lắng đi. Thêm một mùa trung thu nữa lại đến với những đứa trẻ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Có lạc quan mới đủ sức chiến đấu với bệnh tật.
Hoàng Lê