Tài xế Phiến tại ngoại, bà Quy bị bắt: Do lời khai logic với sự việc hay không?
Ngày 3/9, VKSND quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Công an quận Cầu Giấy đối với ông Doãn Quý Phiến (53 tuổi), tài xế đưa đón học sinh của trường Gateway về tội Vô ý làm chết người.
Bị can Doãn Quý Phiến được áp dụng biện pháp tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cơ quan điều tra xác định trong vụ án có trách nhiệm của tài xế Doãn Quý Phiến khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Nguyễn Bích Quy. Hậu quả cháu L. bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit mang BKS: 29B - 069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8.
Theo giám định pháp y chính thức, cháu L.H.L. chết do suy hô hấp, tuần hoàn sốc nhiệt trong không gian giới hạn. Kết quả giám định cũng loại trừ nguyên nhân bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong do tác động ngoại lực.
Trước đó, ngày ngày 27/8, Công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy, nhân viên đưa đón trong vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong về tội Vô ý làm chết người.
Bị can Doãn Quý Phiến và Nguyễn Bích Quy |
Ngay sau khi cơ quan điều tra có quyết định khởi tố tài xế Doãn Quý Phiến, dư luận đã đặt ra câu hỏi, tại sao cùng một tội danh Vô ý làm chết người, ông Phiến được tại ngoại, trong khi bà Quy bị bắt tạm giam?
Sáng 4/9, trao đổi với PV Báo Thời Đại, ông Đinh Minh Tảo, Viện trưởng VKSND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đối với trường hợp ông Phiến, sự việc đã khá rõ ràng, lời khai của bị can Phiến logic với sự việc xảy ra vì thế không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà chỉ ngăn chặn đi khỏi nơi cư trú.
Đối với trường hợp bị can Nguyễn Bích Quy, trong quá trình điều tra có nhiều tình tiết bà Quy nêu ra không có sự logic vì thế việc điều tra phải cặn kẽ và cần áp dụng biện pháp tạm giam.
"Cơ quan chức năng đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ, thống nhất với VKS mới có căn cứ quyết định chuẩn xác", ông Đinh Minh Tảo cho hay.
Liên quan đến việc hình thức ngăn chặn đối với tài xế Phiến và bà Quy, nhân viên đứa đón học sinh trường Gateway của cơ quan điều tra, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cho hay, hiện nay cả bà Quy (người có nhiệm vụ đưa đón học sinh) và ông Phiến (người lái xe ô tô trong buổi xảy ra sự việc) đều đang bị khởi tố về cùng một tội danh là tội vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 1, điều 128 bộ luật hình sự với mức hình phạt và từ 01 năm đến 05 năm tù.
Cụ thể bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vô ý làm chết người như sau: Điều 128. Tội vô ý làm chết người 1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Theo quy định tại điều 9, Bộ luật hình sự về phân loại tội phạm thì tội phạm chia làm 4 loại là: tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể như sau: Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo quy định tại khoản 1, điều 128 BLHS thì tội danh mà bà Quy và ông Phiến bị cáo buộc có khung từ 01 đến 05 năm tù. Như vậy đối chiếu với điều 9 BLHS thì thuộc loại tội “nghiêm trọng” theo quy định pháp luật.
Khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã áp dụng một trong 2 biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo quy định tại điều 119 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì với loại tội ít nghiêm trọng và loại tội nghiêm trọng thì sẽ không áp dụng hình thức tạm giam, trừ một số trường hợp sau đây:
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
1. Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
2. Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
3. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
4. Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
5. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
6. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Ngoài ra bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
- Tiếp tục phạm tội;
- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Như vậy theo quy định tại điều 119 bộ luật tố tụng hình sự thì những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thì mặc nhiên được áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì bị can đó bỏ trốn, bị bắt theo lệnh truy nã hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, hoặc có hành vi mua chuộc, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án tẩu tán tài sản có liên quan đến vụ án, đe dọa khống chế trả thù người làm chứng, người bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của họ.
Bởi vậy, trong trường hợp này áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phiến là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Khởi tố tài xế Doãn Quý Phiến, cho tại ngoại Tài xế Nguyễn Quý Phiến bị khởi tố về tội Vô ý làm chết người nhưng được cho tại ngoại. |
Tài xế Phiến tại buổi thực nghiệm hiện trường vụ Gateway Chiều 30/8, Cơ quan điều tra Công an quận Cầu Giấy thực nghiệm hiện trường vụ bé trai trường Gateway tử vong, trong đó có ... |
Vụ Gateway: Bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy Tối 27/8, cơ quan điều tra đã đến nhà bà Nguyễn Bích Quy, nhân viên đưa đón học sinh trường Gateway thực hiện lệnh bắt ... |
Vụ Gateway: Khởi tố bà Nguyễn Bích Quy về tội Vô ý làm chết người Bà Nguyễn Bích Quy, nhân viên đưa đón trong vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong đã bị Công an quận Cầu Giấy khởi tố ... |