Tại sao giá gạo xuất khẩu lại giảm?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang giao dịch mức 463 USD/tấn (giảm 5 USD/tấn), gạo Thái Lan cùng loại giá 461 USD/tấn, giảm 9 USD/tấn, giá gạo Ấn Độ 440 USD/tấn, ổn định trong khi gạo Pakistan cao nhất với mức giá 473 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Muốn bán gạo giá cao cũng khó
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho biết, sau Tết doanh nghiệp mở cửa mua khai trương, cộng với nhu cầu phải giao hàng cho nhà nhập khẩu, nhất là những quota đã ký với các doanh nghiệp Trung Quốc có hạn giao hàng ngày 20/02/2023, trong khi lúa Đông Xuân thu hoạch chưa nhiều, muốn gom đủ số lượng buộc phải đẩy giá mua lên cao trả nợ những hợp đồng đã ký trước Tết.
Trước đó, vào những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán gạo cho Cơ quan thu mua Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) với giá tương đối thấp, đối với loại gạo 5% tấm thường giá 440 USD/tấn nhưng nay gạo này đang ở mức 463 - 465 USD/tấn. Nếu bên bán không thương lượng điều chỉnh giá cả với bên mua thì sẽ bị lỗ.
Vẫn theo Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa Đông Xuân, giá lúa gạo trong nước đang được điều chỉnh lại, muốn bán gạo giá cao cũng khó. Sắp tới đây loại gạo 5% tấm thông dụng (IR 50404) có thể sẽ vẫn giữ ở mức 463 USD/tấn, nhưng những loại gạo thơm khác như OM18, DT8 hay OM 5451, ST21, ST24 sẽ giảm một chút.
“Mấy hôm trước, ST24 bán được giá 700 USD/tấn, nay đã giảm còn từ 685-690 USD/tấn, trung bình giảm 10 USD tấn, nhưng nếu doanh nghiệp nào đàm phán “dở” hơn một chút, bán giá thậm chí giảm 15 USD/tấn, xuống còn 685 USD/tấn”, ông Đôn nói.
Giao dịch từ thị trường Trung Quốc đang tốt lên
Giao dịch gạo đến từ Trung Quốc được cho là đang tốt lên, đặc biệt vào giai đoạn những tháng cuối năm. Khách hàng Trung Quốc buộc phải sử dụng nốt lượng quota của năm 2022 để mua vào nếp và các loại gạo ST21, ST24.
Theo CTCP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), do ưa chuộng gạo các loại ST vụ Đông Xuân nên khách Trung Quốc có nhu cầu mua nhiều, các thương nhân Trung Quốc đã đặt mua gạo ST21, ST24 từ trước vụ Đông Xuân 2023. Thậm chí, thời điểm đặt hàng mua còn sớm hơn so với những năm trước. Đặc biệt, có một lượng thương nhân Trung Quốc giao dịch mua bán qua cửa khẩu phía Bắc khiến giá nếp và giá gạo ST tăng trong bối cảnh nguồn hàng chưa thu hoạch nhiều, lượng đang ít.
Một số nhà kho chào giá gạo ST24 ở mức 680-685 USD/tấn (FOB), container nhưng khách trả mức giá thấp hơn. Giao dịch gạo ST21 và ST24 lần lượt dao động ở mức 615 và 670-675 USD/tấn (FOB), hàng container.
Đã có doanh nghiệp Việt Nam ký bán lượng khá gạo ST và nếp với khách thương nhân Trung Quốc. Thời điểm giao hàng vào tháng 2, tháng 3/2023 với gạo ST và tháng 3, tháng 4 với Nếp Long An. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sức mua của thương nhân Trung Quốc nhiều hơn hẳn mọi năm, khách chốt mua trước sớm hơn, lượng mua nhiều hơn nên các doanh nghiệp sẽ chủ động nguồn cung và cung ứng hàng cho khách.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều khách hàng Philippines hỏi mua mới gạo vụ Đông Xuân của Việt Nam nhưng chỉ mua ở mức giá vừa phải, trong khi mặt bằng giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao nên chưa chốt và giao dịch mới với khách Philippines chỉ ở mức độ chậm.
Mặc dù Philippines đang tăng cường mua gạo của Việt Nam và đang cố gắng “đè” giá gạo Việt, nhưng nhìn chung thị trường chỉ sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ trong thời gian thu hoạch rộ chứ không thể giảm sâu, vì nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn đang lớn và giá gạo xuất khẩu trên thị trường toàn cầu vẫn ở mức cao.
Trong bối cảnh hiện nay, gạo OM5451 có thể bán cho Philippines từ 480 - 485 USD/tấn chứ không thể cao hơn được. Gạo DT8 và OM18 có giá khoảng 500 USD/tấn.
"Bây giờ sắp hết tháng 2, sang tháng 3 giá lúa gạo sẽ còn điều chỉnh một chút nữa, tức là điều chỉnh về ở mức hợp lý hơn và sẽ giảm từ 5 đến 10 USD/tấn, nhưng không thể điều chỉnh sâu vì nhu cầu còn rất lớn. Song, nhìn chung giá gạo xuất khẩu năm nay vẫn tốt hơn năm 2022 nhiều, và thu nhập của bà con cũng tốt hơn năm rồi nhờ chi phí đầu tư sản xuất lúa như phân bón, xăng dầu … đều giảm, dù không bằng thời điểm trước dịch COVID-19", ông Đôn nhận định.
Theo các doanh nghiệp miền Tây, có một số doanh nghiệp đã ký bán cho Philippines gạo IR50404 mix với gạo OM5451 quanh mức 450 USD (FOB), gạo thơm giá 500 USD/tấn. Bán giá này họ sẽ quay lại "đè" giá mua trong nước, và người bị lỗ là các thương lái vì họ đã cọc mua lúa giá cao với nông dân từ trước.