Sự thật về Biển Đông (bài 6): Giải pháp nào cho tương lai của khu vực?
Sự thật về Biển Đông (bài 5): Biển Đông trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và khẩu hiệu 'châu Á của người châu Á'
Ngoài tranh chấp chủ quyền nổi lên ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và các nước ven biển, Biển Đông cũng đang trở thành ... |
Sự thật về Biển Đông (bài 4): Biển Đông có phải chỉ là vấn đề song phương?
Trung Quốc luôn khẳng định rằng vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp, cần ... |
Sự thật về Biển Đông (bài 3): Những khó khăn của các “tiến trình ngoại giao và pháp lý” hay vấn đề “chủ quyền không được tranh cãi”
Các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vốn đã và đang tồn tại giữa nhiều nước và tại nhiều nơi trên thế giới. Biện pháp ... |
Tuân thủ luật pháp quốc tế
Tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông cùng với việc tăng cường vũ trang, các hành động quân sự hoá, đơn phương sử dụng sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế cùng với xu hướng nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự đối đầu, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều bất ổn cho môi trường an ninh và phát triển chung của toàn khu vực, xét về tổng thể sẽ gây bất lợi cho tất cả các nước, trong đó có cả Trung Quốc.
Trong khi đó, hoà bình, ổn định để hợp tác vì phát triển thịnh vượng vẫn luôn là lợi ích cơ bản và lâu dài của tất cả các quốc gia. Điều đó đòi hỏi nhận thức đúng đắn và sự phối hợp hành động có trách nhiệm của tất cả nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng lòng tin, loại bỏ các nguy cơ, thách thức đang đặt ra.
Ảnh: Toạ đàm về Biển Đông tại Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam (VPDF)
Trước hết, cần nhận thức Biển Đông vừa là không gian sinh tồn truyền thống và môi trường an ninh, phát triển thiết yếu của tất cả các nước ven biển, vừa là vùng biển quốc tế và là tuyến hàng hải, hàng không quan trọng hàng đầu của thế giới. Do đó, không một quốc gia nào được phép độc quyền chiếm hữu hay đơn phương kiểm soát Biển Đông; duy trì hoà bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế là trách nhiệm chung hàng đầu của tất cả các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để góp phần làm rõ và củng cố nhận thức này, trong thời gian qua, một số học giả các nước đã đề xuất sử dụng tên gọi “Biển Đông Nam Á” làm tên gọi quốc tế chính thức đối với vùng biển này để thể hiện đúng hơn vị trí địa lý và tính chất “công” của nó thay vì tiếp tục sử dụng tên gọi “Biển Nam Trung Hoa” vốn chỉ dựa trên cách gọi của một nước và chỉ gắn với một trong những quốc gia ven biển là Trung Quốc.
Thứ hai, cần xác định rõ là hiện nay Biển Đông có 3 vấn đề chính nổi lên cần quan tâm gồm: một là tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các nước ven biển, trong đó lớn nhất và gay gắt nhất là giữa Trung Quốc với các nước còn lại, hai là đối đầu và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực và ba là việc duy trì và bảo đảm hoà bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, bảo vệ môi trường sinh thái trên Biển Đông. Cả 3 vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau.
Thứ ba, việc giải quyết thoả đáng vấn đề Biển Đông chỉ có thể được tiến hành trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là Hiến chương về đại dương của nhân loại ngày nay. Mọi hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế chỉ sẽ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột trong khu vực.
Hình thành cơ chế an ninh tập thể
Mọi yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển và yêu sách đối với các vùng biển của tất cả các bên cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Mọi khác biệt hay tranh chấp cần được ưu tiên giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan; trường hợp không thể đạt được sự nhất trí, các bên có thể sử dụng các biện pháp hòa bình khác như trung gian, hòa giải… hoặc thông qua cơ quan tài phán quốc tế để phân xử và nhất thiết cần tôn trọng, thực thi nghiêm chỉnh phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Trong khi đó, không bên nào được hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, mở rộng kiểm soát, cản trở hoạt động hợp pháp của các nước khác hay tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Đồng thời, cần khẩn trương tập trung phối hợp nhằm kiên quyết ngăn chặn chạy đua vũ trang trên Biển Đông, thậm chí nên tiến hành phi quân sự hoá Biển Đông thông qua việc từng bước giảm thiểu và hạn chế tối đa sự hiện diện của các loại vũ khí tấn công và các hoạt động quân sự trên biển của tất cả các bên.
Cuối cùng nhưng hết sức quan trọng là cần sớm nghiên cứu, xem xét khả năng thúc đẩy hình thành các thoả thuận và cơ chế an ninh tập thể của khu vực với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên liên quan để đề ra và giám sát, bảo đảm thực thi các quy định và chuẩn mực ứng xử về xử lý tranh chấp, va chạm và các vấn đề phát sinh khác, về điều tiết vũ trang và các hoạt động quân sự, về quản lý, kiểm soát, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái trên biển nhằm ngăn ngừa xung đột, duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và tạo điều kiện hợp tác phát triển vì thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Các cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN làm trung tâm như ARF, ADMM+ và nhất là EAS có thể và nên được nâng cấp thành các cơ chế an ninh tập thể của khu vực để thực hiện được chức năng quan trọng đó. Nên xem xét khả năng triệu tập một Hội nghị quốc tế về Biển Đông và tiếp theo là Hội nghị quốc tế về An ninh và Hợp tác Đông Á để thảo luận và quyết định về những vấn đề liên quan. Trong khi đó, để thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò trung tâm của mình, ASEAN cần nghiên cứu, cân nhắc khả năng thành lập Nhóm Công tác về Biển Đông với sự tham gia tự nguyện của các nước thành viên có lợi ích trực tiếp và quan tâm nhất về vấn đề này để thường xuyên nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tình hình và kịp thời báo cáo, kiến nghị giải pháp cho ASEAN.
Đó là cách tốt nhất để xây dựng lòng tin, bảo đảm hoà bình bền vững và hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông vì lợi ích của tất cả các quốc gia, của khu vực và thế giới.
Trần Minh (Tổng hợp)
Ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc bị phản tác dụng ở Biển Đông
Bất kỳ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nào hay các biện pháp trừng phạt theo Bộ Luật Biển xanh của Trung Quốc ở ... |
Khai mạc tập trận quân sự lớn nhất toàn cầu ở Thái Bình Dương
Đợt diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương lần thứ 27 do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ được tổ chức tại vùng ven ... |
Hàng chục nghìn tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông
Nhiều làng chài phía nam Trung Quốc đã làm lễ trước khi ra biển ngày 16-8 ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do ... |