"Sử dụng công nghệ cao để phạm tội là vấn đề cần quan tâm hiện nay"
-Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Cục Cảnh sát hình sự nửa đầu năm 2023?
-Sáu tháng đầu năm 2023, các nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm xuất hiện phổ biến hơn, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác năm 2023, với sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của nhân dân, Cục Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được những kết quả tích cực góp phần quan trọng, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của đất nước, nổi bật như sau:
Một là, Chủ động tham mưu Bộ Công an ban hành, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, phương án để sớm nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội, nhất là tham mưu chiến lược và cơ chế chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình và hoạt động tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, nhất là các loại tội phạm mới nổi để đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Lực lượng cảnh sát hình sự đã có rất nhiều đóng góp cho cuộc sống bình yên ngày hôm nay. |
Chú trọng đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn hệ lực lượng, phân tích, đánh giá tình hình để kịp thời tham mưu với lãnh đạo các cấp chỉ đạo giải quyết, không để tồn tại và hình thành các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp, “điểm nóng” về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội. Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng dư luận quan tâm được tập trung chỉ đạo, điều tra, khám phá bắt giữ nhanh thủ phạm.
Hai là, Hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm về TTXH theo lĩnh vực, chuyên đề, nổi bật là: Đã sớm nhận diện, đấu tranh với một số loại tội phạm truyền thống kết hợp sử dụng công nghệ cao với các phương thức hoạt động mới để hoạt động phạm tội như: hành vi đòi nợ hoạt động núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính để cưỡng đoạt tài sản, sử dụng các Trạm BTS giả định để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Ba là, Với phương châm bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân ngay từ cơ sở, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, lực lượng Cảnh sát hình sự đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 138 các cấp về các giải pháp phòng ngừa xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân nhằm nâng cao kiến thức, ý thức phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm và tham gia đấu tranh với các loại tội phạm.
Bốn là, Tổ chức tiếp nhận, phân loại, xử lý có hiệu quả tố giác, tin báo về tội phạm. Điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội, không để lọt tội phạm, nhất là số đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Tổ chức truy bắt số đối tượng gây án đang lẩn trốn, đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Do đó đã nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng (đạt 82,66%) và đặc biệt nghiêm trọng (đạt 90,73%); các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận; các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em được điều tra, bắt giữ nhanh thủ phạm và xử lý triệt để. Trấn áp mạnh các băng nhóm tội phạm, nhất là liên quan hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc…
Năm là, Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; kết nối, khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vụ phục vụ phòng, chống tội phạm hình sự. Qua đó, từng bước triển khai hệ thống tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của tội phạm về TTXH trong toàn quốc.
Sáu là, Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy; coi trọng công tác bồi dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức theo 6 Điều Bác Hồ dạy CAND, thượng tôn pháp luật, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo, tác động của tội phạm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
-Năm 2023 là năm đặc biệt với C02 khi kỷ niệm đúng nửa thế kỷ thành lập. Trong từng ấy năm, Cục đã lập được nhiều thành tích vang dội, thưa ông, điều gì trong lịch sử của đơn vị đã hun đúc và làm nên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ C02 ngày nay?
-50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Cục Cảnh sát hình sự được kế thừa, phát triển trên 76 năm của lực lượng Cảnh sát hình sự. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, hoạt động của lực lượng Cảnh sát hình sự luôn có những khó khăn, vất vả nhưng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan thông tấn, báo chí, sự thương yêu đùm bọc giúp đỡ của nhân dân. Đặc biệt, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào các thế hệ cán bộ chiến sỹ Cảnh sát hình sự cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó, xứng đáng là “Quả đấm thép” của lực lượng CAND trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm vì bình yên cuộc sống của nhân dân.
Có thể khẳng định truyền thống và sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước, sự tin yêu của nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát hình sự, là nguồn cảm hứng, là sức mạnh hun đúc bản lĩnh và tinh thần cho đội ngũ CBCS Cục Cảnh sát hình sự hôm nay và mai sau.
-Thưa ông, trong các vấn đề về quy mô, tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, nhận diện tội phạm mới… thì đâu là những khía cạnh C02 sẽ đặc biệt lưu ý trong thời gian tới?
-Thời gian tới, hoạt động của tội phạm về trật tự xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, thậm chí có thể sẽ xuất hiện những tội phạm mới. Đó là hoạt động đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao với phương thức thủ đoạn truyền thống kết hợp với sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Các vấn đề này đều phải được quan tâm, sớm nhận diện để có giải pháp đấu tranh, phòng ngừa, xử lý kịp thời. Trong đó, thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội là một trong những vấn đề về tội phạm mà lực lượng Cảnh sát hình sự quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự. |
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công, Cục Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chủ động nhận diện, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa nhằm kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội. Áp dụng pháp luật phù hợp để điều tra, xử lý các loại tội phạm đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo hiệu ứng xã hội lan tỏa góp phần phòng ngừa tội phạm.
-Để hoàn thiện pháp luật, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, ông có kiến nghị về nội dung xây dựng pháp luật?
-Có thể khẳng định hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm của chúng ta tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cũng như sự phát triển của đất nước, đồng thời cơ bản tương đồng với luật pháp quốc tế. Hệ thống các văn bản quy phạm hiện hành đã và đang phát huy tác dụng, là công cụ pháp lý quan trọng, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Cục Cảnh sát hình sự kiến nghị một số vấn đề sau:
- Chú trọng tổng kết thực tiễn, kiến nghị loại bỏ những hành vi không còn là tội phạm và kịp thời, phát hiện những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra, các lĩnh vực, hành vi chưa được quy định để đề xuất luật hóa, đảm bảo mọi tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
- Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, kiến nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự và nâng mức xử lý đối với một số hành vi gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng chế tài xử lý nhẹ, không đủ tính răn đe góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác soạn thảo xây dựng, thực hiện pháp luật và phối hợp điều tra, truy tố, xét xử tội phạm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Phân công, phân cấp cụ thể giữa công an 4 cấp, kiện toàn các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm đảm bảo gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đảm bảo kiểm soát, ngăn ngừa hoạt động của tội phạm ngay từ cơ sở.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có kinh nghiệm tốt trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật. Tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ, thông lệ quốc tế, hợp tác quốc tế, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật của các nước.
-Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1946-19/8/2023), ông có thể nói về những đóng góp của C02 cho sự ổn định và an toàn xã hội?
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong thời gian tới bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ sở nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ công tác công an nói chung, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng.
Xác định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị với sự tham gia của toàn xã hội, trong đó lực lượng Cảnh sát hình sự là nòng cốt, Cục Cảnh sát hình sự nhận thức sâu sắc những khó khăn, thách thức đặt ra. Phát huy những kinh nghiệm, thành tích, kết quả đã đạt được; quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy công an Trung ương về nhiệm vụ công tác công an với phương châm hành động “Xây dựng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, tiếp tục lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc hơn nữa trong thời gian tới, xứng đáng là "quả đấm thép" trong phòng chống tội phạm.
Chủ động nhận diện rõ, dự báo từ sớm, từ xa các loại tội phạm, có giải pháp đấu tranh mạnh mẽ, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm theo từng chuyên đề, lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phòng ngừa xa là căn bản, quyết định; phòng ngừa nghiệp vụ là quan trọng, cần thiết; lấy phòng ngừa là chính, kết hợp giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý, trấn áp mạnh các loại tội phạm mới nổi, diễn biến phức tạp; giải quyết tốt, kịp thời các tin báo tố giác tội phạm ngay từ cơ sở.
-Trân trọng cảm ơn ông!