Sơn mài kể chuyện giao thoa văn hóa Việt - Nhật
Triễn lãm Câu chuyện phương Đông. (Ảnh: Hồng Anh) |
Câu chuyện phương Đông
“Câu chuyện phương Đông” là chủ đề triển lãm tranh sơn mài của Tiến sĩ, họa sĩ Triệu Khắc Tiến, Phó Trưởng khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tại triển lãm, ngoài hệ thống vóc kỹ thuật sơn mài gồm 55 tấm, dụng cụ vẽ tranh sơn mài Việt Nam và Nhật Bản, ảnh tư liệu, họa sĩ Triệu Khắc Tiến còn trưng bày 29 tác phẩm sơn mài thể hiện sự giao thoa, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa làng xã, tâm hồn Việt với kỹ thuật và thẩm mỹ Nhật Bản. Qua đó, giới thiệu đến người yêu nghệ thuật những kỹ thuật tinh tế và độc đáo của nghệ thuật sơn mài Việt Nam và Nhật Bản.
Theo TS Triệu Khắc Tiến, tranh sơn mài Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ phát triển, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và nghệ thuật. Tiếp nối các thế hệ nghệ sỹ tiền bối, Triệu Khắc Tiến đã nỗ lực “Việt hóa” kỹ thuật sơn mài của Nhật Bản mà anh học hỏi được trong quá trình tu nghiệp tại Đại học Nghệ thuật Tokyo nhằm tìm ra những hướng phát triển mới cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
“Ý tưởng Triển lãm Câu chuyện Phương Đông được ra đời khi tôi hoàn thành khóa học Tiến sĩ thực hành chuyên ngành sơn mài tại khoa sơn mài, trường ĐH Nghệ thuật Tokyo tháng 3/2017.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Hồng Anh) |
Sau khi về nước, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu sơn mài Nhật Bản, thực nghiệm và Việt hóa các kỹ thuật này bằng nguyên liệu sơn ta trong nội dung luận án tiến sĩ, tôi ứng dụng vào trong sáng tạo cá nhân, tìm ra lối biểu đạt mới kết hợp giữa những kỹ thuật tinh tế của nghệ thuật sơn mài Nhật Bản với lối vẽ truyền thống của tranh sơn mài Việt Nam, tạo nên bản sắc riêng cho tác phẩm của mình; đồng thời cũng vận dụng những kiến thức đã được truyền thụ vào trong công tác giảng dạy sinh viên chuyên ngành sơn mài, khoa Hội họa, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành sơn mài” Tiến sỹ Triệu Khắc Tiến chia sẻ.
TS Triệu Khắc Tiến và khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Hồng Anh) |
Đến với triển lãm, người xem được hòa mình vào một không gian nghệ thuật độc đáo, kết hợp những nét đặc trưng của sơn mài và văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Tại đây, những bức vẽ về các cô gái Nhật Bản trong trang phục và kiểu tóc truyền thống được đặt cạnh các tác phẩm thể hiện những biểu tượng văn hóa Việt Nam, những kỹ thuật sơn mài Nhật Bản được ứng dụng khéo léo để họa lên những khung cảnh thiên nhiên đất Việt.
Họa sỹ, nhà nghiên cứu và giáo dục nghệ thuật Vũ Đỗ nhận định “Những tác phẩm của họa sỹ Triệu Khắc Tiến không chỉ thể hiện rõ nét kiến thức, sự chăm chỉ và bản lĩnh làm nghề, mà còn thể hiện nội tâm, văn hóa của người Việt thông qua những kỹ thuật sơn mài Nhật Bản. Có Đồng thời qua đó, người xem thấy được sự giao thoa về văn hóa giữa hai đất nước thông qua chất liệu sơn mài”.
Thanh Hiền, một người trẻ yêu nghệ thuật biết đến sự kiện qua fanpage của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Thanh Hiền ấn tượng với tài năng, kiến thức của nghệ sỹ Triệu Khắc Tiến, cho rằng nghệ sĩ chính là một nhịp cầu kết nối văn hóa Việt - Nhật.
TS Triệu Khắc Tiến tại triển lãm (Ảnh: Hồng Anh). |
Giao thoa văn hóa Việt – Nhật
Theo Tiến sỹ Triệu Khắc Tiến, chất liệu sơn mài Việt Nam và Nhật Bản đều được tạo nên từ cây sơn tự nhiên. Tuy nhiên, sơn ta (sơn Phú Thọ) và sơn Nhật (Urushi) có những điểm khác nhau về tính chất, giống sơn, từ đó hình thành các hệ thống kỹ thuật cũng khác nhau.
Sơn Nhật tự nhiên có chất lượng rất tốt, độ bám dính cao, khi vẽ sơn rất toả, nên có thể phủ được những lớp vẽ rất mỏng, thê hiện được những sắc độ tinh tế của chi tiết. Tuy nhiên sơn khi khô rất cứng, đanh mặt và khó mài, phải dùng than và đá mài để mài vóc đạt hiệu quả phẳng, nhẵn, bóng.
Họa cụ được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Hồng Anh) |
Sơn Việt mềm hơn, khi nghiền với màu có thể phủ được nhiều lớp dày hoặc nhiều lớp chồng lên nhau và dễ mài, khi mài cho ra hiệu quả đa sắc do nhiều lớp màu phủ lót bạc, vàng cùng xuất hiện trên một bề mặt. Chính do đặc tính này mà chất liệu sơn ta tỏ ra rất phù hợp với ngôn ngữ hội hoạ với thế mạnh tạo chất và quy trình vẽ luôn ẩn chứa nhiều ngẫu hứng bất ngờ.
Tiến sỹ Triệu Khắc Tiến tin tưởng nghệ thuật sơn mài là cầu nối kết nối văn hóa hai quốc gia Nhật Bản - Việt Nam. “Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia có nền nghệ thuật sơn mài lâu đời, mang nhiều nét tương đồng về chất liệu, kỹ thuật nhưng lại phong phú, đa dạng trong phong cách thể hiện, gắn liền với đặc trưng về văn hoá của mỗi nước. Thông qua nghệ thuật sơn mài, chúng ta thêm hiểu về những đặc trưng văn hoá, thẩm mỹ, lịch sử của mỗi quốc gia, lấy nghệ thuật sơn mài của nước bạn để làm gương soi phản chiếu, tìm ra những hướng đi mới cho sơn mài Việt Nam”, anh nói.
GS Mitamura Arisumi, TS Triệu Khắc Tiến và các nghiên cứu sinh trong thời gian TS Triệu Khắc Tiến tu nghiệp tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC) |
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình tu nghiệp tại Nhật Bản, nghệ sỹ Triệu Khắc Tiến chia sẻ, đó là ngày đầu tiên anh nhập học Đại học Nghệ thuật Tokyo và thọ giáo giáo sư Mitamura Arisumi - Trưởng khoa Sơn mài và Phụ trách quan hệ quốc tế của trường.
“Giáo sư Mitamura Arisumi đã nói với tôi rằng ngoài việc học hãy nghĩ đến việc truyền thụ kiến thức đã thu nhập được cho các sinh viên để tạo lập nền tảng và cùng chung tay phát triển thế giới sơn mài thêm nhiều hướng đi mới. Câu nói của giáo sư đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác, nghiên cứu, đào tạo của tôi sau này”, anh Tiến chia sẻ.
Triển lãm "Câu chuyện phương Đông" sẽ mở cửa từ 25/3 - 24/4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khách tham quan vào cửa tự do.
Theo TS Triệu Khắc Tiến để khuyến khích các nghệ sĩ trẻ phát triển di sản sơn mài của Việt Nam, cần có định hướng đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở mỹ thuật chuyên nghiệp trên cả nước. Đào tạo học thuật cần kết hợp với điền dã, nghiên cứu, kế thừa và phát triển các tinh hoa của nghệ thuật sơn mài truyền thống với lịch sử lâu đời, cũng như những thành tựu mà thế hệ các hoạ sĩ sơn mài Đông Dương đã đạt được. |
Cận cảnh cổ vật triều Nguyễn đang hồi hương về Cố đô Huế Hai cổ vật triều Nguyễn gồm mũ quan và áo Nhật Bình đang trên đường hồi hương về Cố đô Huế sau khi một doanh nghiệp đấu giá thành công ở Tây Ban Nha và quyết định hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Nghệ thuật sơn mài Việt gây ấn tượng tại Tuần lễ Thiết kế Paris 2020 Mới đây, các tác phẩm nội thất từ kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của thế giới tại Tuần lễ Thiết kế Paris diễn ra từ ngày 3 đến 12/9/2020. |