SNV giúp tăng cường năng lực ứng phó thiên tai cho cán bộ giáo dục
Tại khóa tập huấn. Ảnh: SNV.
Trong khuôn khổ thực hiện dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ trong thời gian 2016-2020 về Chương trình Tăng cường năng lực và Hỗ trợ kỹ thuật, từ ngày 6-10/11, Dự án đã tổ chức khóa tập huấn cho gần 40 giáo viên THPT và cán bộ Phòng GD&ĐT tại 7 huyện/xã gồm: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thông qua khóa học, học viên được trang bị kiến thức để hiểu rõ về thiên tai, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó, những kỹ năng cần thiết để có thể tham gia hỗ trợ, ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong 5 ngày tập huấn, các học viên đã được giới thiệu kiến thức cơ bản về Chương trình 1002, Luật phòng chống thiên tai, cũng như Bộ tài liệu “Hướng dẫn dạy và học về GTRRTT”. Học viên cũng được hướng dẫn cách nhận diện một số loại hình thiên tai (áp thấp nhiệt đới & bão, lũ và ngập lụt, sạt lở đất/đá, hạn hán), đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai và BĐKH, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người nghèo, dân tộc thiểu số, vv..), và các hoạt động rèn luyện kỹ năng trong quản lý rủi ro thiên tai dành cho trẻ em.
Qua các phần trao đổi, thảo luận nhóm, cùng phần thực hành vẽ bản đồ rủi ro, lập thông tin lịch sử thiên tai, vẽ sơ đồ trường học có lối thoát hiểm, vị trí sơ tán, vv.., đồng thời áp dụng phương pháp tập huấn có sự tham gia, các kỹ năng tập huấn (quan sát, lắng nghe, đặt câu hỏi, cho, nhận phản hồi), các học viên đã có thể áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã học tập được vào trong thực tiễn, để từ đó các học viên – giảng viên nguồn có thể xây dựng bài giảng theo cấu trúc phù hợp, dễ tiếp thu cho các em học sinh tại trường mình.
Việc giảng dạy các nội dung học thực hiện GNRRTT & BĐKH tại trường học đặc biệt quan trọng, bởi những hoạt động này sẽ giúp nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai không chỉ cho bản thân các em, mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng khi các em chia sẻ các kiến thức học ở trường với ba mẹ, gia đình mình. Từ đó, chương trình sẽ góp phần làm giảm thiểu những rủi ro thiên tai cho địa phương, hỗ trợ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
“Đây là lần thứ 2 tôi tham gia khóa tập huấn về GTRRTT và BĐKH, cả 2 khóa đều do Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ. Tôi thấy khóa tập huấn này rất hữu ích bởi bản thân tôi đang phụ trách đoàn thể, qua khóa học này tôi có những kiến thức, kĩ năng để về giảng dạy, tuyên truyền cho các em học sinh. Trước trường tôi cũng đã tổ chức hoạt động về GTRRTT nhưng với quy mô nhỏ, tôi thấy các em học sinh rất hào hứng tham gia bởi các em vừa được học vừa được chơi, lại có phần thưởng,” chị Nguyễn Thị Phượng, giáo viên trường THCS Phú Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Việc đánh giá rủi ro thiên tai, ảnh hưởng của BĐKH và lập kế hoạch phòng chống thiên tai là một công việc cần thiết cho các địa phương, đặc biệt tại các trường học bởi công việc này sẽ giúp các trường xác định được các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn, điểm mạnh, điểm yếu trong công tác phòng chống thiên tai trước đây. Từ đó, nhà trường có thể đưa ra được những phương án tối ưu nhất nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho thầy cô giáo và các em học sinh.
Ngoài ra, SNV cũng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn khác về nông nghiệp thông minh với khí hậu, tập huấn GTRRTT & BĐKH cho giảng viên nguồn và giáo viên tiểu học/trung học cơ sở, tập huấn sử dụng đất phát thải thấp, vv.. tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ khoảng 24 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2017- 2020 tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế được hỗ trợ 10 triệu USD. Dự án bao gồm 3 hợp phần là cải thiện phương thức sử dụng đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng thích ứng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Mục tiêu đặt ra là trong 5 năm, dự án sẽ cải thiện sinh kế cho khoảng 8.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng; cải thiện đa dạng sinh học cho 160.000 ha rừng tự nhiên, nâng cao khả năng thích ứng khí hậu cho khoảng 10.000 người, giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 2,4 triệu tấn CO2 tương đương. |
M.A (t/h)