Singapore “tiếp bước” làn sóng mua mạnh vàng của nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu
Theo Bloomberg dẫn tuyên bố từ phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương Singapore, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore công bố dự trữ vàng của Singapore tăng lên ngưỡng 6,4 triệu troy ounce tức tương đương khoảng 199 tấn tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023, tăng hơn rất nhiều so với con số 4,9 triệu ounce của 1 tháng trước đó. Tổng giá trị của lượng vàng nắm giữ này ước tính khoảng 4,5 tỷ USD ở cuối giai đoạn trên.
“Đây là đợt mua vàng trong vòng 1 tháng lớn thứ 2 trong lịch sử của Singapore”, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại quỹ BullionStar - ông Ronan Manly nói. Lần gần nhất Singapore mua nhiều vàng như vậy là vào năm 1968, khi đó, Singapore mua 100 tấn vàng từ Nam Phi.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã không ngừng mua vào vàng khi mà đồng USD hãm bớt đà tăng giá trong những tháng gần đây. Cùng lúc đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân tăng cường mua vàng như cách tự “bảo vệ” khỏi các bất ổn địa chính trị và lạm phát tràn lan. Tính đến cuối tháng 2/2023, Trung Quốc tăng dự trữ vàng đến tháng thứ 4 liên tiếp, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ là ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất thế giới trong năm 2022.
Trong tháng 1/2023, Singapore tăng quy mô dự trữ vàng thêm 30%. Như vậy Singapore tiếp bước thêm nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc tăng cường nắm giữ kim loại quý này. |
Phiên giao dịch ngày hôm nay trên thị trường Singapore, giá vàng không có quá nhiều thay đổi và dao động quanh ngưỡng 1.831USD/ounce. Trước đó, giá vàng tăng ước tính 1% sau khi chỉ số việc làm tại Mỹ tăng cao hơn so với kỳ vọng, nó làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cách tiếp cận chính sách tiền tệ đầy cứng rắn. Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã giảm ước tính khoảng 1%, tuy nhiên vẫn cao hơn một chút so với thời điểm đầu năm nay.
Sau năm 2022 mua vàng mạnh kỷ lục, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn rất quan tâm đến vàng trong những tháng đầu tiên của năm 2023, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
Tháng 1/2023, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua ước tính 31 tấn vàng, tăng 16% so với tháng liền trước, theo nghiên cứu của WG công bố vào ngày thứ Năm.
“Mức độ mua vào như vậy vẫn trong ngưỡng từ 20 đến 60 tấn ghi nhận trong suốt 10 tháng vừa qua”, chuyên gia phân tích cao cấp tại WGC - ông Krishan Gopaul nhấn mạnh.
Phần lớn hoạt động mua vàng là do ba ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Kazakhstan thực hiện. Thổ Nhĩ Kỳ là ngân hàng mua chính thức lớn nhất trong năm 2022 còn Trung Quốc được biết đến là mua mạnh vàng từ cuối năm ngoái.
Khởi đầu tháng đầu tiên của năm, Thổ Nhĩ Kỳ mua 23 tấn vàng nâng tổng số dự trữ vàng của nước này lên 656 tấn.
Trung Quốc mua 15 tấn vàng trong tháng 1/2023, trước đó vào tháng 11 và 12/2022, Trung Quốc đã mua 62 tấn vàng. Như vậy tổng dự trữ vàng của Trung Quốc tăng lên ngưỡng ước tính 2.025 tấn.
Ngân hàng Trung ương Kazakhstan mua vào 4 tấn vàng nâng tổng dự trữ lên 356 tấn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua vào chỉ 2 tấn vàng. Tuy nhiên lý do có thể bởi Croatia gia nhập liên minh tiền tệ này, chính vì vậy họ phải chuyển một phần vàng mà họ đang nắm giữ sang dự trữ chung. Để có thể làm được điều đó, Croatia mua 2 tấn vàng vào tháng 12/2022.
Trong tháng 1/2023, giá vàng tăng từ 1.860USD/ounce lên ngưỡng khoảng 1.960USD/ounce. WGC cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ quan tâm đến vàng trong suốt cả năm nay. |
Một ngân hàng trung ương tuy nhiên đã hành động khác. Ngân hàng Trung ương Uzbekistan bán 12 tấn vàng trong tháng 1/2023. Dự trữ vàng của Uzbekistan ước tính khoảng 384 tấn, tức tương đương khoảng 66% tổng dự trữ.
“Chúng tôi nghĩ rằng có quá ít lý do để nghi ngờ rằng các ngân hàng trung ương sẽ vẫn tích cực với vàng và vẫn mua ròng vàng trong năm 2023. Số liệu tích cực vào tháng 1/2023 mà chúng ta có cho đến nay không cho chúng ta có nhiều lý do để thay đổi dự báo nói trên”, báo cáo nhấn mạnh.
Trong năm ngoái, ngân hàng trung ương các nước mua 1.136 tấn vàng, ngưỡng cao nhất trong lịch sử và cao hơn 150% so với năm liền trước.
“Bất ổn địa chính trị và lạm phát cao được coi như nguyên nhân chính đằng sau việc nắm giữ vàng”, WGC nhấn mạnh trong báo cáo xu thế giá vàng.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua vàng nhiều nhất trong số các ngân hàng trung ương bởi cơ quan này cố gắng tìm kiếm công cụ an toàn trong bối cảnh lạm phát. Mùa thu năm 2022, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng đến 85% so với cùng kỳ và rồi hạ nhiệt xuống còn 64% trong tháng 12/2022.
Trung Quốc cũng mua mạnh vàng trong năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nối lại việc mua vàng lần đầu tiên tính từ năm 2019.