Sĩ tử lớp 12 quyết tâm thi tốt giữa đại dịch COVID-19
Kỳ thi THPT Quốc gia 2021 sẽ diễn ra từ ngày 7-9 tháng 7. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 mang đến những khó khăn, áp lực chưa từng có cho các hội đồng thi và thí sinh.
Lo lắng, vất vả, nhưng quyết tâm
Trước kỳ thi quan trọng, Nguyễn Diệu Hồng Trang, 18 tuổi, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, cho biết khá lo lắng về nguy cơ nhiễm COVID-19 tại điểm thi.
“Hội đồng thi sẽ triển khai chặt chẽ biện pháp phòng chống dịch, nhưng em vẫn có thể nhiễm virus vì học sinh ở nhiều nơi đến thi rất đông. Cô giáo chủ nhiệm luôn nhắc bọn em tuân thủ khuyến cáo 5K. Em sẽ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào phong thi để bảo vệ bản thân.”
Hồng Trang quyết tâm đạt kết quả cao nhất dù có chút lo lắng vì dịch bệnh. Ảnh: NVCC |
Trong nhiều tháng qua, Trang luôn thực hiện các biện pháp an toàn để giảm nguy cơ phơi nhiễm nCoV. Em hạn chế ra ngoài, sau khi tiếp xúc người lạ sẽ rửa tay, súc miệng, thay quần áo, thường xuyên tập thể dục, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.
“Em có thể không được dự thi nếu trở thành bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm COVID-19,” Trang nói.
Làn sóng COVID-19 thứ tư bùng phát ngày 27/4, làm xáo trộn mọi mặt cuộc sống, trong đó có giáo dục. Từ đầu tháng 5/2021, trường học các cấp trên cả nước chuyển sang giảng dạy online. Song, hình thức này gây không ít khó khăn cho giáo viên, học sinh, đặc biệt với các khóa ôn thi Đại học dù từng được triển khai trước đó.
“Chúng em phải học online hai lần từ đầu năm. Những tháng cuối cùng rất quan trọng với học sinh lớp 12. Tuy nhiên bọn em không được ôn luyện trực tiếp với thầy cô và các bạn,” Trang nói.
Em cho biết khá lo lắng tới tâm lý khi thi vì các bài thi thử đều được làm online tại nhà, không có thầy cô coi và áp lực thời gian.
Dù ôn thi giữa mùa dịch COVID-19 có nhiều khó khăn, Trang khẳng định sẽ cố gắng hết sức mình trong kỳ thi sắp tới. “Đại dịch mang đến những bỡ ngỡ, áp lực nhất định, nhưng em quyết tâm hoàn thành bài thi tốt nhất có thể. Tất cả vì tương lai phía trước.”
Nguyễn Thị Ngọc Anh và cô giáo. Ảnh: NVCC |
Nguyễn Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Tùng Thiện, Hà Nội, có những trải nghiệm tương tự.
“Học, thi online ở nhà linh hoạt hơn về thời gian, địa điểm. Nhưng em không được tương tác trực tiếp với thầy cô. Có một số mảng kiến thức em chưa hiểu kỹ, nhưng rất khó để đặt câu hỏi khi chỉ học qua màn hình máy tính,” Ngọc Anh nói. “Chúng em cũng không được làm bài thi thử nhiều. Em khá lo lắng, nhất là môn Văn vì không có đáp án cụ thể như Toán, Anh.”
Tình hình dịch cải thiện ngay trước kỳ thi là điều may mắn
COVID-19 quay trở lại Việt Nam chỉ hai tháng trước khi kỳ thi THPT Quốc Gia diễn ra, khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng về việc hoãn thi. Tuy nhiên, tình hình tại miền Bắc dần ổn định vào cuối tháng 6, kỳ thi diễn ra vào ba ngày 7, 8, 9 tháng 7 theo kế hoạch.
Lâm cho biết dịch bệnh được kiểm soát kịp thời là thành công của nhà nước và cả cộng đồng. Ảnh: NVCC |
“Việc kiểm soát dịch bệnh kịp thời ngay trước kỳ thi quan trọng là thành công của nhà nước và cả cộng đồng,” Lã Ngọc Lâm, học sinh lớp 12 chuyên Địa, THPT Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ với Thời Đại. “Bản thân em thấy khá khó chịu nếu phải hoãn thi. Quãng thời gian ôn thi vừa qua rất căng thẳng.”
Với cậu, kỳ thi THPT là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời học sinh, mở ra một môi trường mới với nhiều thử thách và cơ hội.
“Em sẽ phải xa gia đình, bắt đầu cuộc sống sinh viên tự lập. Bố mẹ rất lo lắng, đặc biệt khi dịch COVID-19 có thể diễn biến bất ngờ. Song, em tin tưởng vào khả năng chống dịch của nhà nước và người dân Việt Nam. Chúng ta đã dập dịch thành công ba lần trước đó.”
Trương Tiến Dũng và cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: NVCC |
Trương Tiến Dũng, lớp 12 chuyên Toán, THPT Sơn Tây, cảm thấy nhẹ nhõm khi dịch bệnh tại miền Bắc dần ổn định, kỳ thi diễn ra như dự kiến.
“Em muốn thi sớm nhất có thể. Sau đó, em sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, nạp năng lượng sau thời gian ôn luyện mệt mỏi,” Dũng nói. “Hà Nội là nơi tập trung nhiều người từ các tỉnh lân cận đổ về học tập, làm việc. Em rất vui vì dịch bệnh tại đây được kiếm soát, mọi người có thể quay trở lại nhịp sống hàng ngày.”
Cậu cho biết không bị ảnh hưởng tâm lý trong kỳ thi vì dịch bệnh. “Em tin khi đã quyết định tổ chức thi, các địa phương và hội đồng thi đã chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm chống dịch.”
Tiếc nuối và những kỷ niệm đẹp
Trường học các cấp tại Hà Nội phần lớn không kịp tổ chức lễ bế giảng năm học 2020-2021 vì dịch bệnh. Đây là điều tiếc nuối với nhiều học sinh, đặc biệt những lứa cuối cấp.
“Chúng em đã rất háo hức và lên nhiều kế hoạch cho lễ bế giảng nhưng phải bỏ hết vì COVID-19”, Dũng nói.
Thay vào đó, Dũng và các bạn cùng lớp dành một buổi tâm sự, chia sẻ kế hoạch tương lai với cô giáo chủ nhiệm qua Zoom. “Chúng em lần lượt viết thông điệp cảm ơn cô và giơ lên cam kết. Khoảnh khắc ấy rất cảm động và đáng nhớ. Đây là trải nghiệm rất đặc biệt, chúng em chưa từng nghĩ đến một lễ bế giảng online bao giờ.”
Dũng và tập thể lớp 12 Toán, trường THPT Sơn Tây. Ảnh: NVCC |
“Lớp em mới gặp nhau một lần từ tháng 5. Bọn em rất buồn. Hơn thế cũng không được dự bế giảng, đây là dấu mốc quan trọng với đời học sinh,” Trang kể. “Ngay khi thi xong và dịch ổn định, chúng em sẽ tổ chức gặp mặt liên hoan hoặc đi du lịch một chuyến xa”.
Trang cũng gửi lời chức tới tất cả sĩ tử lớp 12 khắp cả nước đạt điểm cao trong kỳ thi THPT sắp tới.
Trang và tập thể lớp 12A12, trường THPT Lê Lợi, Hà Đông. Ảnh: NVCC |
Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh F1 tại Đà Nẵng vẫn thi ngay đợt một Các thí sinh thuộc diện F sẽ được bố trí tại điểm thi riêng là Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công, quận Ngũ Hành Sơn, với 12 phòng thi. |
Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2020-2021 Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2020-2021 |
Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 đợt 2: Thời gian điều chỉnh nguyện vọng là khi nào? Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020: Thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19-25/9) và thời gian để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19-27/9). |