Shangri-La: Mỹ ý kiến về việc Trung Quốc đưa vũ khí ra Biển Đông
Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm "đe dọa và gây sức ép" với các nước láng giềng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17. Ảnh: TTXVN
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 17 đang diễn ra tại Singapore, người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo trái phép và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh: "Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, mang lại kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể, và cũng đối đầu cứng rắn nếu cần. Tất nhiên, chúng tôi công nhận bất cứ trật tự bền vững nào ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đều có vai trò của Trung Quốc".
Trung Quốc mới đây còn hạ cánh máy bay ném bom xuống đảo Woody (đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Theo Bộ trưởng Mattis, việc Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí có liên hệ trực tiếp với việc sử dụng vũ khí quân sự cho mục đích "đe dọa và gây sức ép" là đi ngược với những cam kết trước đó của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ đúng cam kết năm 2015 tại Nhà Trắng rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông. Ông nêu rõ Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại đầu tư tự do và công bằng, cũng như tuân thủ các luật lệ và quy định quốc tế.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Trước đó, phát biểu với các phóng viên trên đường tới Hawaii dự lễ bàn giao chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) ngày 29/5, Bộ trưởng Mattis từng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông như một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Ông nhấn mạnh Mỹ đang thực hiện các bước đi tích cực để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các bãi đá và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Mỹ và Trung Quốc gần đây có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề Biển Đông. Ngày 23/5, Lầu Năm Góc đã rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vì những động thái quân sự hóa liên tục gần đây của nước này trên Biển Đông.
Hôm 27/5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ Mỹ, Reuters cho biết 2 tàu chiến Mỹ đã di chuyển gần đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn đang bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Đối thoại Shangri-La 2018 diễn ra ở Singapore từ ngày 1-3/6 với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, giới chức quân sự đến từ hơn 40 quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có căng thẳng ở Biển Đông hay những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, được cho là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của diễn đàn năm nay. |
V.H