Sau nhịp hồi phục, thị trường chứng khoán sẽ bước vào tuần giao dịch bản lề
"Cần quan sát sự suy yếu của nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Thép"
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC
Nhịp phục hồi trong tuần vừa qua không quá bất ngờ khi khi tiền đã vào thị trường thì vẫn loanh quanh và không thể rút ra ngay được. Tuy nhiên ngay trong nhịp hồi cũng đã có những dấu hiệu suy yếu nhất định, thể hiện qua thanh khoản trong những phiên hồi kém hơn so với các phiên ghi nhận những dấu hiệu phân phối.
Độ rộng cũng yếu đi, số lượng cổ phiếu duy trì xu hướng tăng ngắn hạn kém đi, giảm từ mức 80% về chỉ còn 60%.
Về cổ phiếu dẫn dắt, nhóm Ngân hàng vẫn suy yếu trong khi các cổ phiếu trụ kém thanh khoản lại được duy trì để neo chỉ số.
Nhìn chung bối cảnh đã xuất hiện những rủi ro nhiều hơn. Đối với tình hình thế giới, tâm điểm sẽ là kỳ họp của FED, số liệu CPI vẫn tiếp tục cao hơn một chút so với dự báo, trong khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng trở lại.
Đối với trong nước, áp lực tỷ giá kèm với việc lợi suất trái phiếu tăng nhẹ trở lại là tín hiệu đáng chú ý. Do đó tuần sau sẽ là tuần bản lề, tâm điểm là cuộc họp của FED vào 20-21/3.
Tôi vẫn thiên về kịch bản thị trường chưa thể bứt phá và bỏ ngỏ kịch bản thị trường điều chỉnh khi hình thành mô hình 2 đỉnh. Kháng cự thị trường hiện tại là vùng quanh 1.280-1.300, hỗ trợ là vùng 1.235-1.240 điểm, hỗ trợ mạnh hơn quanh 1.160-1.180 điểm.
Trong khi đó, dòng tiền cũng đang có dấu hiệu luân chuyển sang các cổ phiếu Midcap và Penny. Thông thường, một vòng luân chuyển của thị trường sẽ là cổ phiếu trụ, sau đó qua cổ phiếu Midcap và Penny.
Trong đợt tăng lần này, tâm lý vẫn chưa quá hưng phấn khi ngay cả các cổ phiếu "rác" cũng tăng, do đó rủi ro chưa phải quá lớn.
Tuy nhiên các cổ phiếu trụ yếu đi là dấu hiệu cần quan sát. Có thể thấy nhóm Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản (trong đó có Thép) đang suy yếu là dấu hiệu cần quan sát.
Nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng vừa phải, không nên quá căng cứng trong một tuần bản lề với nhiều sự kiện quan trọng.
"Chưa hoàn toàn thoát pha điều chỉnh"
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Thị trường có sự phục hồi khi tiếp cận đường trung bình động 20 kỳ, khi đó dòng tiền bắt đáy có xu hướng quay trở lại và giúp hầu hết các cổ phiếu lớn có sự phục hồi. Tuy nhiên, còn quá sớm để cho rằng pha điều chỉnh của thị trường đã kết thúc khi thanh khoản không gia tăng tương ứng, hàm ý về sự thận trọng nhất định từ một số nhà đầu tư. Nên giai đoạn phục hồi trong tuần qua có thể nhanh chóng kết thúc. Bên cạnh đó, chỉ số cũng gặp áp lực bán khi tiếp cận vùng đỉnh gần nhất (1.275 điểm). Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng với giai đoạn hiện tại.
Dòng tiền cũng đang có sự luân chuyển từ nhóm cổ phiếu Large cap sang Small cap và Mid cap. Hiện tượng này thường xuất hiện khi thị trường bước vào giai đoạn cuối của sự tăng trưởng. Theo đó, khi thị trường phục hồi nhóm cổ phiếu Large cap sẽ dẫn dắt thị trường chung đi lên hầu hết các nhóm cổ phiếu (Mid cap và Small cap) đều đi lên tương ứng.
Tuy nhiên, khi thị trường đạt đỉnh, thì dòng tiền sẽ có sự luân chuyển, từ nhóm cổ phiếu Large cap sang cổ phiếu Mid cap và Small cap. Theo đó, nhóm cổ phiếu Large cap sẽ điều chỉnh trước trong khi Mid cap và Small cap vẫn đi lên. Cuối cùng, thì cả 3 nhóm này đều điều chỉnh theo xu hướng chung. Đây có thể được xem là sự phân kỳ giữa các nhóm cổ phiếu một tín hiệu cảnh báo về sự điều chỉnh trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư có thể luân chuyển theo dòng vốn chung nhưng cần lưu ý, thị trường đang có những tín hiệu về sự điều chỉnh, do đó cần cân nhắc tỷ trọng cổ phiếu đầu tư ở mức hợp lý.
Trong tuần giao dịch tới, sẽ diễn ra các sự kiện đáo hạn phái sinh và cuộc họp của FED. Với đáo hạn phái sinh, thị trường có thể biến động mạnh khi hợp đồng đáo hạn do các vị thế trên thị trường này được tất toán. Đây là tác động mang yếu tố nhất thời đến xu hướng vì thế không ảnh hưởng lớn đến xu hướng chung.
Bên cạnh đó, hiện FED đang được dự báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp lần này nhưng sẽ giảm lãi suất trong quý II/2024. Nên các thông tin từ cuộc họp của FED sẽ có tác động từ trung tính đến có phần tích cực.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên quan tâm đến những yếu tố tác động đến thị trường trong ngắn hạn theo đó một số yếu tố đang có phần không tích cực như (1) tỷ giá đang có xu hướng tăng, quanh vùng đỉnh lịch sử (2) khối ngoại tiếp tục bán ròng. Những yếu tố này có thể làm thị trường điều chỉnh trong giai đoạn tới.