Sắc màu đại dương Việt Nam
Chùm ảnh: Cuối mùa rêu đá Nam Ô |
Chùm ảnh: Vẻ đẹp hoang sơ của Cao Bằng những năm 90 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Đức |
Việt Nam có nhiều điểm lặn biển nổi tiếng ở Phú Quốc, Nam Du, Hải Tặc (Kiên Giang); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phú Quý, Cù Lao Câu (Bình Thuận); Nha Trang (Khánh Hòa); Cù Lao Mái Nhà, Hòn Yến (Phú Yên), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Trong ảnh là rạn san hô cạn Hòn Yến - “vườn đá nở hoa” xuất hiện mỗi khi thủy triều rút. Đây là tài nguyên thiên nhiên nhạy cảm và dễ bị xâm hại. Bước chân của du khách đi trên thềm san hô, tạo thành đường mòn trên đá, có thể làm biến dạng, chết san hô và mất chỗ trú ngụ của các loài sinh vật biển. Do đó, du khách cũng như nhiếp ảnh gia khi ngắm, chụp ảnh san hô lựa chọn vị trí hợp lý và tránh giẫm đạp lên chúng, cần đặt vấn đề bảo tồn san hô lên hàng đầu.
Bức ảnh nằm trong bộ ảnh của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, thành phố Hồ Chí Minh, được thực hiện bằng sự phối hợp giữa nghệ thuật nhiếp ảnh dưới nước và kỹ năng lặn tự do trong vòng một hơi thở từ 2 - 3 phút.
Nếu bơi lặn ra xa, du khách chiêm ngưỡng được khối san hô trù phú bên dưới mặt nước phía đông Hòn Yến. Tác giả cho biết khu vực biển này tối và sâu hun hút. Nhiệt độ nước cũng lạnh hơn hẳn mặt phía tây và phía dưới có dòng nước di chuyển liên tục, có thể tác động đến người bơi lặn, nên những du khách lặn tại đây phải chú ý cẩn thận và nên đi ít nhất 2 người.
Nếu thấy trong dòng nước biển có nhiều sứa nhỏ thì nên tránh xa, để không tiếp xúc với chất nhầy của sứa hòa sẵn trong nước biển. Chất nhầy này có thể gây những nốt đỏ hoặc bỏng, rát da.
Những con sứa bơi dưới vùng biển quanh “đá dĩa” Hòn Yến. Mặt phía đông Hòn Yến là nơi đón những tia nắng bình minh đầu tiên của ngày mới, nếu quan sát kỹ cấu tạo bề mặt đá, chúng ta thấy có kết cấu địa chất tương tự như ghềnh Đá Dĩa. Đây là sự kết hợp của các cột đá bazan hình khối trụ xếp chồng lên nhau như tổ ong, kết quả của quá trình hoạt động địa chất hàng triệu năm trước, khi dung nham núi lửa gặp nước biển lạnh nên đông cứng và nứt vỡ thành.
Tác giả chia sẻ có niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, đa dạng các thể loại từ phong cảnh, thiên nhiên cho đến đời thường, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp nhiếp ảnh. Cho đến nay, anh có 17 ảnh được chọn đăng trên National Geographic, đạt được các giải thưởng nhiếp ảnh, triển lãm tại các cuộc thi uy tín trong nước, quốc tế như Ảnh Di sản Việt Nam, Ảnh Nghệ thuật Việt Nam, Epson hay tạp chí Mỹ Smithsonian. Gần đây nhất, anh nằm trong danh sách Award Winners của Siena 2020, nhận giải Pangea Prize (Quả cầu vàng) diễn ra tại Italy vào cuối tháng 10/2020.
“Vũ điệu thợ lặn” bơi xuyên làn nước khám phá điểm lặn Hòn Rơm (Madonna Rock), Nha Trang. Mùa lặn biển tại Việt Nam diễn ra từ khoảng tháng 3 - 10, có thể thay đổi tùy từng địa điểm, chẳng hạn các địa điểm lặn miền nam diễn ra từ tháng 11 - 5 năm sau.
Cảnh sắc dưới biển khu vực hang ngầm Hòn Rơm. Điểm lặn này có các hang động dưới nước nằm tại các độ sâu khác nhau, có nơi sâu tới 30 m. Đây là nơi cư trú của loài cá chình và nếu may mắn sẽ bắt gặp cá mú đá gai nặng 40 - 45 kg ngụy trang y hệt tảng đá ngầm.
Nha Trang có nhiều địa điểm lặn biển tập trung, là trung tâm của ngành công nghiệp lặn đang phát triển. Anh Thiện cho biết, du khách muốn lặn biển và chụp ảnh dưới nước phải tìm hiểu kỹ thông tin, tham gia các diễn đàn underwater photography và các khóa học lặn uy tín, bài giảng hướng dẫn về cách chụp dưới nước, đặc biệt là đầu tư thiết bị và kỹ năng lặn - hai trong nhiều yếu tố quan trọng khi chụp ảnh dưới biển.
Cá sư tử (hay còn gọi cá mao tiên) ‘bước’ thong thả giữa đàn cá nhồng đuôi vàng, Hòn Mun. TP Nha Trang có Khu bảo tồn biển Hòn Mun nổi tiếng với các rạn san hô tuyệt đẹp, khoảng 350 loài san hô và nhiều loài cá, gồm cá nhồng, cá hề, cá mao tiên, cá kèn hay cá bướm. Theo các số liệu thống kê, có khoảng 15 điểm lặn quanh Hòn Mun, nổi tiếng là Hòn Rơm và Bãi Cá Chình (Moray Beach).
Chuyên gia lặn biển Nguyễn Hà Minh Trị (Nha Trang), thầy hướng dẫn lặn cho tác giả, đang khám phá rạn san hô và các đàn cá tại điểm lặn Hòn Rơm, Hòn Mun, Nha Trang.
Du khách cần lưu ý trong quá trình trải nghiệm tham quan, lặn biển không được vứt rác thải nhựa xuống đại dương, tránh lặn vào các mùa mưa bão, biển động làm giảm tầm nhìn bên dưới đáy biển.
“Nàng tiên cá” bên rạn san hô rực rỡ sắc màu tại điểm lặn Sơn Đừng, vịnh Vân Phong. Vịnh biển này nằm giữa huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, cách phố biển Nha Trang khoảng 80 km về hướng bắc, với các địa điểm du lịch không thể bỏ qua là rạn san hô hóa thạch Hòn Đỏ, đường đi bộ giữa biển tại đảo Điệp Sơn, đặc biệt là ngắm san hô tại Sơn Đừng và Đầm Môn.
Để có những bức ảnh có độ phân giải cao dưới nước, máy ảnh phải tốt và lens tương ứng tùy thể loại chụp, bộ khung bảo vệ máy ảnh underwater housing chống nước và chịu được áp suất nước. Ngoài ra, còn phải trang bị thêm hệ thống đèn flash chiếu sáng dưới nước underwater strobes để có thể chụp và tái tạo màu sắc chi tiết của sự vật. Khi lặn càng sâu cảnh quan càng bị mất màu sắc và càng ít ánh sáng.
Đàn cá con đang bơi quanh khu vực xác tàu đắm tại Đầm Môn.
Cùng với thiết bị, thì kỹ năng lặn là điều quan trọng, vì chụp ảnh dưới nước đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế các rủi ro, nguy hiểm, người chụp phải thành thạo kỹ năng lặn mới có thể chụp được một bức ảnh dưới nước chất lượng.
“Tôi từng tham gia khóa học lặn tại một trung tâm lặn ở Nha Trang thuộc PADI - Hiệp hội Lặn biển quốc tế, với cả hai phương pháp là lặn bình khí scuba diving và lặn tự do freediving. Khi tham gia khóa học này được các thầy hướng dẫn nhiệt tình và bất ngờ hơn khi tôi nín thở tĩnh dưới nước với thời gian khá lâu ở lặn tự do”, anh Thiện chia sẻ.
Tác giả đang khám phá xác tàu đắm của ngư dân trong cơn bão Damrey năm 2017 tại vùng biển Đầm Môn, một điểm lặn biển thú vị tại vịnh Vân Phong. Do được bảo tồn nghiêm ngặt nên xác con tàu đắm này trở thành nơi sinh sống của những đàn cá và các loài sinh vật biển khác.
Trong ảnh là những tia nắng rọi xuyên qua rạn đá ngầm bên dưới vùng biển Nam Du, Kiên Hải, Kiên Giang. Quần đảo Nam Du - “vịnh Hạ Long phương Nam” - có 21 đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Dầu và Hai Bờ Đập là các điểm lặn ngắm san hô hấp dẫn.
Rạn san hô bên dưới biển Nam Du. Ngoài Nam Du, du khách có thể chọn các điểm lặn ở đảo ngọc Phú Quốc – “thiên đường lặn biển” của cả nước, như quần đảo An Thới, Hòn Khô, đảo Rùa và Nudibranch Gardens.
Hiện nay, một số điểm lặn phát triển loại hình dịch vụ chụp ảnh cho du khách lặn ngắm san hô. Nghệ thuật nhiếp ảnh dưới nước giúp quảng bá vẻ đẹp sự sống bên dưới vùng biển đến với du khách trong, ngoài nước, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển nước ta.
2 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Việt lọt top ảnh đẹp nhất thế giới Tác phẩm người phụ nữ rửa bông súng của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung và tác phẩm "Phơi trà" của nhiếp ảnh gia Trần ... |
Về Trà Sư trải nghiệm khung cảnh đẹp nên thơ mùa nước nổi Rừng tràm Trà Sư mang một dáng vấp hữu tình, khung cảnh thơ mộng đậm chất sông nước, được coi là điểm đến lý tưởng ... |
Mù Cang Chải lọt top 10 địa danh đẹp nhất thế giới trên tạp chí du lịch Anh Trang web chuyên về du lịch CNTraveler (Anh) đã bình chọn 10 địa danh đẹp nhất thế giới với vẻ đẹp tự nhiên vô cùng ... |