Rà soát tình trạng phòng, chống cháy nổ của hộ sản xuất nhỏ lẻ
Trong một thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 7/2017 đã xảy ra 4 vụ cháy nổ tại các khu đông dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản. Cụ thể, ngày 5/4, xảy ra cháy nhà dân tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, làm chết 3 người. Ngày 10/7, tại chợ Sài Gòn - Tân Thanh (Lạng Sơn) xảy ra vụ cháy lớn thiêu rụi 21 ki-ốt của tiểu thương, 60 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do đám cháy. Ngày 13/7, cháy tại nhà số 37, ngõ 205/53, đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, làm chết 4 người trong một gia đình; mới đây ngày 29/7, vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo, địa chỉ Km19, Quốc lộ 32, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, làm chết 8 người, bị thương 2 người.
Hiện trường vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở Hoài Đức, Hà Nội ngày 29/7
Trước tình trạng trên, để kiểm chế sự gia tăng về số vụ cháy nổ, tăng cường đảm bảo an toàn cho người dân, C66 đề nghị Giám đốc Công an, Cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số biện pháp cấp bách sau:
Thứ nhất, tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương. Trong đó, tập trung bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC đối với khu dân cư; phát động phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội dân phòng; xây dựng, ban hành bộ tiêu chí an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư, làng nghề… phù hợp thực tế địa phương.
Ngoài ra, khi xây dựng quy hoạch các khu dân cư mới trên địa bàn cần tính toán các giải pháp an toàn PCCC và thoát nạn cho hạ tầng kỹ thuật và từng căn hộ.
Thứ hai, công an, cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền PCCC. Lực lượng chức năng tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Thứ ba, công an, cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC như: An toàn PCCC hệ thống, thiết bị điện; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa; quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; gia công, sửa chữa, hàn cắt kim loại; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu… và đặc biệt phương án thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
BT