Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM: Việt Nam năng động trong việc triển khai Thỏa thuận về di cư
-Thưa bà, chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên di chuyển chưa từng có của con người và những thách thức của nó. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Theo Báo cáo Di cư Thế giới mới nhất của IOM, có 281 triệu người di cư quốc tế trên toàn thế giới, chiếm 3,6% dân số toàn cầu. Châu Á có sự tăng trưởng vượt bậc di cư quốc tế trong hai thập kỷ qua, với hơn 40 phần trăm số người di cư trên thế giới có nguồn gốc từ khu vực này.
Trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Di cư du học cũng có mức tăng tương tự; mặc dù đến nay chưa có số liệu chính xác nhưng con số ước tính hiện đạt trên 250.000 người. Tỷ lệ người Việt Nam di cư là nữ giới có chiều hướng tăng. Dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam cũng tương đối đa dạng, đáng kể nhất là di cư lao động với 475.198 người nước ngoài được cấp phép lao động từ 2017-2022.
Di cư tiếp tục là một vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người, chính phủ, tác động đến các chính sách trong kinh doanh, thương mại, y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác. Trong khi nhu cầu và lợi ích của di cư trở nên rõ ràng hơn và cấp bách, những thách thức, hạn chế và rủi ro vẫn tồn tại trong cách con người, cộng đồng và các quốc gia nhận thức và ứng phó với nó.
Bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM. Ảnh: Phạm Lý |
- Bà đánh giá như thế nào khi Việt Nam công bố Hồ sơ di cư năm 2023?
Việc công bố Hồ sơ di cư năm 2023 có một ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là hồ sơ di cư thứ ba mà chúng tôi đã phối hợp cùng với Bộ Ngoại giao Việt Nam để thực hiện. Hồ sơ di cư đầu tiên thực hiện năm 2011, hồ sơ di cư thứ hai là năm 2016 và đến nay đã là 7 năm. Hồ sơ Di cư là quyển cẩm nang giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các xu hướng, cũng như nắm bắt được các thách thức còn tồn tại xung quanh vấn đề này.
Trong những năm vừa qua khi thực hiện hồ sơ di cư chúng ta đã nhìn thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng, những thông tin và những bằng chứng cụ thể để giúp Việt Nam hoạch định những chính sách.
Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã đạt được những mục tiêu, những thành quả rất rõ rệt trong việc hoạch định những chính sách để có thể hỗ trợ được người di cư.
IOM với vai trò là đối tác của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi rất tin tưởng vào nỗ lực của của Chính phủ Việt Nam. Việc soạn thảo hồ sơ và công bố hồ sơ di cư sẽ giúp cho Việt Nam tiến xa hơn trong công tác triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM), mà trong đó Việt Nam vốn là một trong những nước năng động trong việc triển khai thỏa thuận này.
-IOM hiện nay đã triển khai những dự án gì tại Việt Nam để hỗ trợ người di cư?
Các cá nhân di cư vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu để theo đuổi mục tiêu kinh tế tốt hơn và các cơ hội giáo dục, để ứng phó với những thách thức như như thiên tai, biến đổi khí hậu và xung đột.
Tuy nhiên, trong quá trình di cư ra nước ngoài, người di cư gặp phải nhiều thách thức nhất định. Ví dụ như ở các nước, người di cư có thể bị bóc lột sức lao động, rất có thể là sẽ bị thu giữ những cái giấy tờ cá nhân và họ không có biết cách nào để có thể ứng phó với những vấn đề này.
Vì thế, cần phải nâng cao nhận thức cho người di cư về quyền và những thông tin mà người di cư có thể tiếp cận.
Hiện nay, đa phần người di cư ở trong độ tuổi rất trẻ. Ho sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Đây cũng một trong những lý do mà chúng tôi đang tích cực chỉ sử dụng mạng xã hội để có thể đưa những thông tin về di cư an toàn thông qua dự án truyền thông cộng đồng chúng tôi gọi là “Nghĩ trước Bước sau”. Dự án này để giúp người di cư có thể vừa nhận biết các dấu hiệu và nguy cơ trong từng lộ trình di cư, đồng thời nắm được những lợi ích trong trong những quá trình di cư và những thông tin cần biết để di cư an toàn.
Ngoài ra, một trong những hoạt động khác mà IOM đã và đang triển khai là việc thúc đẩy những sự phối hợp liên ngành. Hiện nay IOM không chỉ phối hợp với Bộ Ngoại giao mà còn có phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ban, ngành và các tổ chức khác trong công tác giải cứu nạn nhân bị mua bán. Điển hình như trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã cùng phối hợp với bộ, ban, ngành của Chính phủ Việt Nam giải cứu thành công và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những ca bị mua bán người ở tại Campuchia.
- Trân trọng cảm ơn bà!