Quy định mới về nhập khẩu phim có hiệu lực từ ngày 10/5
Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25.3.2022 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10.5.2022.
Nghị định số 22/2022/NĐ-CP với định hướng phân cấp quản lý nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh: cấp giấy phép xuất nhập khẩu phim truyền hình, phim bộ dài tập phổ biến trên đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 32/2012/NĐ-CP đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần xem xét sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu phim: “Giấy chứng nhận bản quyền tác giả; hợp đồng; bản dịch tóm tắt nội dung phim; giấy ủy quyền; giấy chứng nhận hoặc cam kết sở hữu hợp pháp đối với di vật, cổ vật”. Tuy nhiên, trong những năm qua, phim nhập khẩu chủ yếu là phim dài tập, việc quy định hồ sơ chỉ là bản dịch tóm tắt nội dung phim chưa đảm bảo cơ sở đầy đủ để cơ quan cấp phép thẩm định. Do vậy, cần quy định rõ là bản dịch bằng tiếng Việt nội dung phim, đồng thời bổ sung văn bản cam kết của đối tượng nhập khẩu phim chịu trách nhiệm về nội dung phim nhập khẩu không vi phạm quy định của pháp luật.
Tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định: “Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cung cấp văn hóa phẩm nhập khẩu và tờ khai hải quan bản sao không cần chứng thực) để cơ quan cấp giấy phép giám định”. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các cá nhân nhập khẩu phim, hồ sơ nhập khẩu của cá nhân sẽ không cần bước giám định, cá nhân sẽ tự chịu trách nhiệm với phim mình nhập khẩu, đồng thời cam kết không vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh và sử dụng phim đúng với quy định của pháp luật.
Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định về cấp phép nhập khẩu phim. Tuy nhiên, chưa có quy định về thu hồi giấy phép nhập khẩu phim trong trường hợp phát hiện nội dung phim vi phạm quy định bị cấm trong Luật Điện ảnh. Do chưa có quy định này nên khi phim được phổ biến, cơ quan có thẩm quyền phát hiện nội dung phim vi phạm quy định bị cấm trong Luật Điện ảnh nhưng không có cơ sở để thu hồi giấy phép nhập khẩu phim. Do vậy, cần bổ sung nội dung quy định này nhằm tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước. Việc quy định thu hồi giấy phép nhập khẩu phim trong trường hợp này không làm phát sinh thủ tục hành chính mà đây là biện pháp quản lý nhà nước khi phát hiện có vi phạm pháp luật.
Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép”; khoản 5 điều 10 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định: “Thời gian giám định văn hóa phẩm nhập khẩu tối đa không quá 12 ngày làm việc.”. Như đã đề cập ở trên, phim nhập khẩu chủ yếu là phim dài tập, quy định thời hạn giải quyết thủ tục hành chính 02 ngày làm việc không đủ thời gian để cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp phép. Do vậy, cần tăng thời hạn giải quyết thủ tục hành chính lên tối thiểu 03 ngày làm việc và quy định rõ thời gian giám định phim không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cung cấp bản phim được nhập cho cơ quan cấp phép.
Giấy phép được cấp cho phim nhập khẩu hằng năm theo quy định của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP đa số là phim truyền hình do các Đài PTTH nhập khẩu để phát sóng. Số tập phim nhập về mỗi năm khoảng hơn 10.000 tập phim/năm. Đài PTTH địa phương thường được phát sóng không chỉ tại địa phương mà còn đến các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 32/2012/NĐ-CP, đối với phim nhập khẩu để phát sóng từ hai địa phương trở lên do Bộ VHTTDL cấp phép nhập khẩu. Với quy định này, các Đài PTTH địa phương nhập khẩu phim để phổ biến, phát hành phải gửi hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL cấp phép.
Ảnh minh họa |
Với mục tiêu phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa các bộ với UBND cấp tỉnh trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, việc phân cấp cho Sở VHTTDL/Sở VHTT cấp giấy phép nhập khẩu phim để phổ biến, phát hành do Đài PTTH địa phương nhập khẩu là cần thiết.
Hiện nay, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.2022 và có hiệu lực thi hành từ năm 2023. Trong khoảng thời gian Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa được ban hành, rất cần thiết sửa đổi Nghị định số 32/2012/NĐ-CP để thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 99/NQ-CP và giải quyết những bất cập, vướng mắc.
Sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ VHTTDL sẽ rà soát các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm trong lĩnh vực điện ảnh tại Nghị định số 32/NĐ-CP để điều chỉnh tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), trường hợp những quy định tại Nghị định số 32/NĐ-CP không phù hợp với Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được đề xuất thay thế hoặc bãi bỏ.
Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 4 điều:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP
- Điều 2. Thay thế cụm từ “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch” bằng “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao”.
- Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Điều 4. Điều khoản thi hành.
Nội dung cơ bản:
Tại Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 3 về giải thích từ ngữ: Bổ sung cụm từ “phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu” vào khoản 1 Điều 3 để làm rõ hơn các nội dung được quy định tại Nghị định số 32/2012/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 3 về văn hóa phẩm bao gồm: Các bản ghi âm, ghi hình; các loại phim; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác được ghi trên các chất liệu hoặc phương tiện kỹ thuật số ở dạng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh.
+ Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 8: bỏ quy định Bộ VHTTDL cấp giấy phép cho phim phổ biến trên địa bàn 02 địa phương trở lên: Bộ VHTTDL chỉ cấp giấy phép cho phim để phổ biến, phát hành theo quy định của pháp luật trong toàn quốc.
+ Bổ sung điểm e khoản 2 Điều 8: Phân cấp về Sở VHTTDL cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm cho phim để phổ biến, phát hành theo quy định của pháp luật do Đài PTTH địa phương đó nhập khẩu.
+ Bổ sung khoản 3 Điều 8: quy định việc thu hồi giấy phép đối với phim vi phạm: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim có thẩm quyền thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh.
+ Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 9: quy định rõ thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu bao gồm: Giấy chứng nhận bản quyền tác giả; hợp đồng; bản dịch tóm tắt bằng tiếng Việt nội dung phim và văn bản cam kết chịu trách nhiệm về nội dung phim nhập khẩu không vi phạm quy định của pháp luật; giấy ủy quyền; chứng nhận hoặc cam kết sở h u hợp pháp đối với di vật, cổ vật.
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9: để làm rõ việc giám định căn cứ trên hồ sơ và tóm tắt nội dung phim do bản phim nhập về chưa có phụ đề/thuyết minh tiếng Việt: Đối với văn hóa phẩm nhập khẩu là phim: Tổ chức có trách nhiệm cung cấp bản phim đã nhập khẩu và tờ khai hải quan (nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nộp bản sao có chứng thực trong trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện). Cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu có biên bản giám định và bàn giao phim căn c trên hồ sơ và tóm tắt nội dung phim.
+ Bổ sung khoản 6 Điều 9: quy định cá nhân nhập khẩu phim tự chịu trách nhiệm với bộ phim do mình nhập khẩu không vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh: Cá nhân nhập khẩu phim chỉ để sử dụng cho mục đích cá nhân cam kết không vi phạm quy định cấm tại Điều 11 Luật Điện ảnh và sử dụng phim đúng với quy định của pháp luật.
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10: tăng thời gian cấp giấy phép từ 02 ngày lên 03 ngày làm việc đối với phim nhập khẩu: Đối với văn hóa phẩm là Phim: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép.
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10: quy định thời gian giám định phim nhập khẩu không quá 12 ngày làm việc kể từ khi tổ chức cung cấp bản phim.
Điều 2, thay thế cụm từ “Sở VHTTDL” bằng “Sở VHTTDL/Sở VHTT” tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP.