Quốc hội nhất trí miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Trọng Sang 02/04/2021 15:08 | Chính trị - Xã hội
![]() |
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Thuận Thắng) |
Chiều 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Sau đó, nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua bằng hình thức bấm nút điện tử. Kết quả kiểm phiếu cho thấy đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc miễn nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước và các ĐBQH tiếp tục thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Theo chương trình kỳ họp thứ 11, sáng thứ 2 (5/4), Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho hay, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được giới thiệu để bầu làm người đứng đầu Nhà nước. Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước.
Việc miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn nhân sự tại kỳ họp lần này thực hiện theo yêu cầu bố trí, sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội XIII, với khoảng 25 chức danh được kiện toàn hoặc thay đổi vị trí công tác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ cương vị Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Đây là lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội - tháng 10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết việc ông được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước "không phải nhất thể hóa", mà là "tình huống" khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Theo Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước gửi đến kỳ họp Quốc hội lần này, trên cương vị của mình, Chủ tịch nước đã "thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công; đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".
Chân dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944. Quê quán xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học, có trình độ lý luận chính trị Cao cấp. Ông Nguyễn Phú Trọng là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV. Ông có gần 30 năm (từ năm 1967 đến 1996) công tác tại Tạp chí Cộng Sản, trải qua các chức vụ Cán bộ Phòng Tư liệu, Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tháng 8/1996, ông là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Tháng 2/1998, ông phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng. Tháng 8/1999, ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị. Tháng 1/2000, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 6/2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Tháng 1/2011 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (các khóa XI, XII, XIII), Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/2018 đến nay, ông là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh nhiệm kỳ 2016-2021. |



Đáng chú ý
Long trọng kỷ niệm 75 năm Ngày độc lập của nước Cộng hoà Ấn Độ

Bài viết mới
Việt Nam - Anh tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

Việt Nam - Qatar: Tạo điều kiện cho mặt hàng xuất khẩu thế mạnh thâm nhập thị trường mỗi nước

Chuyên đề

Những người lính Mỹ năm xưa nã đạn vào Việt Nam, hôm nay trở lại. Họ quay lại như một sự trở về với tiếng gọi của lương tri. Người Việt Nam đã mở vòng tay chào đón. Hai bên cùng lấp những hố bom bằng màu xanh cây lá, thắp lên ngọn lửa yêu đời và hi vọng cho những nạn nhân chiến tranh. Rồi từ đây, những hạt giống hữu nghị, hoà bình đâm chồi, nảy lộc.

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |