Quảng Trị: Mở rộng chế biến hải sản, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân
Quảng Trị có hai cửa biển là Cửa Tùng và Cửa Việt. Đây là hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, là nơi giao thương, mua bán sản phẩm từ khai thác biển. Hàng năm, có hàng ngàn lượt tàu cá trong và ngoài tỉnh tập trung khai thác ở ngư trường Quảng Trị và cập các cảng cá trên địa bàn tỉnh để bán sản phẩm hải sản khai thác.
Toàn tỉnh có 5 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, có trên 8.000 lao động ngư nghiệp nhiều kinh nghiệm, diện tích vùng triều cửa sông và vùng cát ven biển hơn 3.500 ha, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm có giá trị kinh tế cao.
Những năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản của Quảng Trị từng bước chuyển dịch từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Từ những chính sách phát triển thủy sản, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, nâng cao năng lực khai thác xa bờ.
Đội tàu đánh bắt xa bờ (Ảnh: Báo Quảng Trị). |
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ khi Nghị định 67 của Chính phủ triển khai thực hiện, ngư dân có điều kiện vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu có công suất từ 400 CV trở lên để khai thác có hiệu quả hơn. Hiện ngư dân đã đóng mới 10 tàu vỏ thép, 1 tàu composit, 7 tàu vỏ gỗ có công suất 800 CV trở lên, tổng trị giá khoảng 250 tỷ đồng.
Lượng tàu thuyền ngày càng nhiều đã gắn với phát triển các nghề phục vụ hậu cần trên bờ. Đối với công tác quản lý cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, từ chưa có cơ sở sản xuất kinh doanh ngư lưới cụ và cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển; chế biến thủy sản đang còn thô sơ, sản phẩm sau khai thác chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, giá trị thấp.
Đến nay, đã hình thành hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh là Cửa Việt và Cửa Tùng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Đã có hai cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, nhiều cơ sở chế biến, nhà máy thủy sản đông lạnh, Surumi và bột cá được đầu tư hiện đại tại Cửa Tùng và Cửa Việt với công suất hàng chục ngàn tấn/năm, góp phần thu mua, tiêu thụ sản phẩm khai thác của bà con ngư dân. Nhiều sản phẩm chế biến được xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Lào và thị trường Châu âu.
Những ngành nghề trên đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt, nghề hấp sấy cá phát triển mạnh, hằng năm sản lượng chế biến cá khô từ 3.000 đến 5.000 tấn, giải quyết kịp thời về sản lượng cá đánh bắt được để tàu thuyền nhanh chóng ra khơi.
Nhiều tàu cá khai thác hải sản xa bờ cũng đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nhờ vậy sản lượng khai thác tăng qua các năm, năm 2021, toàn tỉnh khai thác, đánh bắt được 27.073 tấn thủy sản. Trong năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 37.000 tấn, trong đó riêng khai thác thủy sản đạt 27.000 tấn.
Để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Trị đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ từng bước hiện đại hóa ngành thủy sản trên tất cả các lĩnh vực, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh. Đồng thời, phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững và chủ động với thích ứng biến đổi khí hậu. Có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý với năng suất, chất lượng, hiệu quả; có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế.
Ngư dân thị trấn Cửa Việt phát triển nghề khai thác thủy hải sản gắn với chế biến mang lại hiệu quả kinh tế (Ảnh: Báo Tin tức). |
Phát triển mạnh hình thức quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản. Gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và đảm bảo QP-AN trên vùng biển đảo của Tổ quốc. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hằng năm giai đoạn 2022- 2030 đạt 3,5%/năm.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản đến năm 2030 là 45.000 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 15.000 tấn, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 30.000 tấn. Đồng thời, giải quyết việc làm cho khoảng 16.300 người, trong đó có trên 60% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn.
Việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế cũng được chú trọng. Theo đó, sẽ phát triển, mở rộng thị trường nội địa; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các nước, khu vực đã và đang ký kết các Hiệp định Thương mại tự do. Đồng thời phát triển mở rộng các thị trường trọng điểm và tiềm năng, nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho doanh nghiệp, cán bộ quản lý và các bên có liên quan.
Khánh thành, bàn giao 08 nhà an toàn cho các ngư dân nghèo tỉnh Quảng Bình Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức lễ khánh thành, bàn giao 08 nhà an toàn cho các ngư dân nghèo tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh với Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ thực hiện. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc đề nghị mở rộng nhập khẩu hàng hóa Ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc Lý Khắc Cường đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa giữa hai nước. |