Quảng Nam: Làng nghề truyền thống nhộn nhịp đón Trung thu
Cơ sở của ông Nguyễn Hưng ở Hội An gìn giữ nghề làm đầu lân truyền thống (Ảnh: Báo Quảng Nam). |
Nếu trước đây, làm đầu lân chỉ rộ vào dịp Tết Trung thu, phục vụ nhu cầu vui chơi của thanh thiếu nhi thì hiện nay nghề này có thể làm quanh năm. Các cơ sở vừa sản xuất để trữ hàng vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của các đoàn múa lân trong các sự kiện, lễ hội.
Những ngày này, cơ sở sản xuất đầu lân, thiên cẩu của Nguyễn Hưng (thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) chộn rộn khách ra vào đặt mua, kể cả mang đầu lân cũ đến nhờ sửa chữa, sơn mới. Từ sân vào nhà, hàng chục chiếc đầu lân sắc màu sặc sỡ chiếm cả lối đi.
Ông Hưng cho biết: nhu cầu chơi lân, múa lân diễn ra thường xuyên, nhất là các sự kiện chào mừng, khai trương… dù vậy rộ nhất vẫn là dịp Tết và Trung thu.
“Sau Trung thu chúng tôi nghỉ ngơi một tháng sau đó bắt đầu vào làm lại, trữ hàng cho Tết Nguyên đán” - ông Hưng kể.
Cơ sở ông Nguyễn Hưng cũng là nơi hiếm hoi ở Hội An làm nghề đầu lân theo quy mô hàng hóa. Không chỉ làm đầu lân, ông Hưng còn làm đầu thiên cẩu, mặt nạ tuồng… mỗi năm bán ra vài trăm chiếc. Theo ông Hưng, lân là một trong những con vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc và múa lân là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Trung thu hoặc Tết Nguyên đán. Chính vì thế, nghề làm lân không chỉ yêu cầu tỉ mỉ, khéo léo mà còn rất cần cái tâm, đặc biệt phải có năng khiếu hội họa cùng khả năng sáng tạo để làm nên tác phẩm đặc sắc.
Đến nay, hầu hết thành viên gia đình ông Hưng đều làm nghề. Để hoàn thành một đầu lân mất khoảng 4-5 ngày, giá bán từ 5 - 8 triệu đồng tùy kích thước, kiểu dáng, cách trang trí… Khách hàng ông Hưng không chỉ ở Hội An mà nhiều nơi khác trong cả nước, kể cả khách nước ngoài cũng đặt mua. Qua đó, không chỉ nâng tầm giá trị cho nghề truyền thống mà còn khẳng định thương hiệu, góp phần đưa hình ảnh văn hóa Việt đi xa.
Nguồn video: Truyền hình Lào Cai