Làng nghề nước mắm Tam Thanh: Gìn giữ hương vị quê hương; phát triển kinh tế địa phương
Nghề mắm làm giàu cho làng bích họa
Từ thành phố Tam Kỳ về Tam Thanh, xuyên qua con đường ngập tràn màu trắng, hồng của những giàn hoa giấy, hoa tường vy, chúng tôi tới làng bích họa nổi tiếng. Làng bích họa Tam Thanh, thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, cách TP Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 7km. Ngôi làng tọa lạc ở địa điểm một mặt giáp biển và mặt còn lại giáp sông Trường Giang. Không chỉ là điểm đến du lịch, làng nghề truyền thống làm mắm ở đây còn là nơi cho du khách trải nghiệm các công đoạn làm mắm; chế biến, sản xuất mắm cho khu vực Quảng Nam; Đà Nẵng và một số địa phương miền Bắc.
Bà Trương Thị Luân (91 tuổi) hướng dẫn cháu nội cách làm mắm theo phương thức truyền thống. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Xuất thân từ làng nước mắm Tam Ấp nổi tiếng ở xã Tam Thanh, cơ sở sản xuất Ngọc Lan (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) của bà Lê Thị Ngọc Tầm sử dụng cá cơm tươi được đánh bắt tại vùng biển ngang Tam Thanh và phương pháp đấu rút, khuấy đảo truyền thống để tạo nên nước mắm Ngọc Lan tinh khiết, thơm ngon, đặc trưng. Chủ cơ sở này cho biết thêm: Cá Biển Ngang Tam Thanh nổi tiếng thơm ngon - “nhất cá biển Ngang, nhì mực nang một nắng”, cá cơm than biển Ngang giàu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, mang đến những giọt mắm thơm ngon, chất lượng và tốt cho sức khỏe. Nước mắm Ngọc Lan được sản xuất theo phương pháp thủ công, truyền thống. Nguyên liệu chính là cá cơm than biển Ngang Tam Thanh và muối trắng, hạt vừa và sạch. Cá và muối trộn với nhau theo một tỉ lệ nhất định, mang đi ủ chượp trong vòng 10 - 12 tháng. Sau thời gian ủ sẽ cho ra thành phẩm là những giọt nước mắm vàng óng, sánh mịn, có mùi thơm nhẹ dịu đặc trưng.
Trong bối cảnh nước mắm truyền thống đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều hộ đã bỏ nghề, làng nghề dần mai một, bà Lê Thị Ngọc Tầm lại đang tập trung xây dựng thương hiệu tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, định hướng đưa nước mắm Ngọc Lan trở thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Không chỉ lưu nghề gia truyền của dòng họ, phát triển kinh tế gia đình, cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Lan còn tạo công ăn việc thường xuyên làm cho 6 lao động. Tới đây, bà Tầm còn mong ước “đưa tâm huyết của nội và mẹ đi xa hơn, đưa thứ quà lành từ biển cả đến bếp ăn của mỗi gia đình Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Hồi kiểm tra nước mắm ủ chượp của gia đình. |
Cũng ở làng bích họa Tam Thanh, người dân nơi đây và khách du lịch còn biết đến cơ sở nước mắm truyền thống cô Hồi. Gia đình bà Nguyễn Thị Hồi (50 tuổi) có khu ủ chượp chừng 30 m2 với 20 chum lớn chừng 100 lít/chum. Từ nhỏ, bà đã phụ cha mẹ ra biển chọn, mua và gánh cá về nhà làm mắm nên việc chọn lựa cá chuẩn và dễ dàng hơn. Sau một thời gian dài bán nhỏ lẻ, tầm năm 2010, cơ sở nước mắm truyền thống cô Hồi được thành lập. Khách hàng chính của bà chính là người dân quê nơi đây, khách du lịch và một số đơn hàng đi các tỉnh. Trung bình, mỗi tháng cơ sở của bà sản xuất từ 500 đến 700 lít nước mắm, thời điểm phục vụ tết lên tới hàng tấn. Sản xuất nước mắm truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà khoảng 100 triệu VNĐ/năm.
Gìn giữ hương vị truyền thống
“Những đứa trẻ lớn lên từ vùng biển Tam Thanh sớm đã quen với hình ảnh đôi bầu mắm trên vai của bà, của mẹ, đi từ đầu thôn đến cuối xóm đổi lấy khoai, gạo nuôi gia đình. Hầu như nhà ai cũng biết muối cá, trong nhà có vài ba chum mắm để trữ cho bữa cơm ngày thường. Tôi và chị cũng trưởng thành từ những chum mắm của nội. Hồi còn đi học, đi làm xa nhà, chị em tôi hay được bà nội bỏ theo cho vài chai mắm. Nội nói: "Nội chẳng có tiền cho tụi con, chỉ có mấy chai mắm nhà làm, bỏ theo ăn cho khỏi nhớ nhà". Vậy là chúng tôi mang theo tình thương của nội và chai mắm quê đi khắp nơi”, đại diện cơ sở sản xuất mắm Ngọc Lan chia sẻ.
Hỏi về bí quyết làm nghề, bà Hồi nghĩ một lúc lâu: “Chị không có bí quyết gì. Chỉ cá tươi, muối sạch, ủ một năm là được”. Nhưng chị Hồi cũng tâm tư, chỉ mới chỉ bán tại chỗ, người dân địa phương mua là chính. “Cá ngang Quảng Nam làm mắm ngon nhất. Giá mà được chỉ cách bán online, xuất khẩu để nhiều người biết thì tốt”.
Ian George Robertson: " Chỉ đến khi ở Việt Nam thì tôi mới biết đến nước mắm. Tôi luôn cho rằng đây là đặc trưng của Việt Nam". Ảnh: Diệu Thúy |
Ian George Robertson – một người Anh cho biết: Tôi đã ở Việt Nam 4 năm, một năm ở Hội An và 3 năm ở Tam Thanh. Năm 2019 tôi có cơ hội làm việc ở Việt Nam nên tôi chuyển đến đây. Tôi thích nước mắm thành phẩm. Thi thoảng chúng tôi dùng nước mắm trong bữa ăn của gia đình. Nhà chúng tôi dùng một chai mắm nhựa đơn giản. Người bán thịt lợn ở chợ đưa cho chúng tôi để dùng thử và chúng tôi vẫn dùng đến giờ. Tôi biết làng Tam Thanh làm nước mắm vì tôi đã mua mắm từ một gia đình làm thủ công trên đường đến đây. Mắm truyền thống có vị khác mắm thương mại. Tôi chưa từng thử nước mắm ở những nước khác. Chỉ đến khi ở Việt Nam thì tôi mới biết đến nước mắm. Tôi luôn cho rằng đây là đặc trưng của Việt Nam.
Ở tuổi 91, bà Trương Thị Luân, bà nội của chủ cơ sở sản xuất Ngọc Lan chia sẻ: Khi tôi sinh ra, ông bà, cha mẹ của tôi đã làm mắm cá. Nước mắm của gia đình tôi khi đó cũng ngon nổi tiếng vùng Tam Thanh. Mắm cá được mang lên rừng đổi thức ăn, tới đồng bằng đổi gạo. Lúc đó, chúng tôi làm mắm rất đơn giản, chỉ cá tươi ủ muối là xong. Giờ bọn trẻ ngoài bí quyết gia truyền thì hỏi thêm các thầy, học thêm kinh nghiệm. Giờ mắm tinh khiết, sạch sẽ hơn. Tôi luôn mong bọn trẻ vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc sống, của kinh tế để giữ được làng nghề. Mong là nhiều người được bảo vệ sức khỏe, khồng dùng đồ có hóa chất.
Độc đáo con đường thuyền thúng của làng chài bích họa Tam Thanh Làng chài ven biển Tam Thanh ở thành phố Tam Kỳ được biết đến như làng bích họa đầu tiên của Việt Nam và đang trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của tỉnh Quảng Nam. |
Làng bích họa Hà Nội lên báo Anh, được ca ngợi đẹp như cổ tích Tờ DailyMail ấn tượng trước vẻ đẹp cổ tích của làng bích họa Hà Nội (làng Chử Xá thuộc huyện Gia Lâm) và đăng tải đoạn video giới thiệu về ngôi làng này. |