Quảng Nam: Dành khoảng 1.300 tỷ đồng/năm trợ cấp ưu đãi tới người có công với cách mạng
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022 của Tỉnh ủy, công tác xác nhận người có công với cách mạng được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Từ năm 2012-2020, toàn tỉnh đã xác nhận mới 22.991 trường hợp đối tượng chính sách, nâng tổng số đối tượng được xác nhận từ năm 1976 đến nay trên 65.400 liệt sĩ; trên 30.700 thương, bệnh binh; trên 45.500 người có công giúp đỡ cách mạng; trên 11.800 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 34.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; trên 6.300 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...Toàn tỉnh hiện có 15.332 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn - (Ảnh: nhandaoonline.vn). |
Việc giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách mới ban hành. Từ năm 2012-2021, đã thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên và 1 lần cho trên 336.140 đối tượng chính sách; thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho con người có công với cách mạng trên 29.480 lượt, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ gần 261.290 lượt, giải quyết mai táng phí và trợ cấp 1 lần trên 20.250 trường hợp…
Toàn tỉnh hiện có gần 47.800 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp 1 lần. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng khoảng 1.300 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã rà soát, tiếp nhận 77 hồ sơ, trong đó: 27 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, 50 hồ sơ đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thoại, thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Ảnh: Tấn Nguyên/nhandan.vn). |
Trong 10 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cho công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ gần 377 tỷ đồng. Tổ chức tìm kiếm, quy tập hơn 700 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang, hơn 100 hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại nghĩa trang gia tộc; di chuyển trên 600 hài cốt liệt sĩ về nguyên quán của liệt sĩ.
Việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được chú trọng triển khai thực hiện đảm bảo khang trang, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thăm, viếng của nhân dân vào dịp Lễ, Tết và Ngày thương binh liệt sĩ 27/7. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết và triển khai thực hiện Đề án cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2026.
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã vận động thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 69 tỷ đồng. Qua đó, đã thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh... Vận động tặng 5.462 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 5,59 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ (Ảnh: Báo Quảng Nam). |
Việc chăm sóc sức khỏe đối với người có công và thân nhân được quan tâm chỉ đạo thực hiện, ngoài chính sách điều dưỡng theo quy định, hằng năm, tỉnh bố trí ngân sách để tổ chức các đoàn người có công đi điều dưỡng, tham quan, giao lưu tại các tỉnh, thành phố; nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm khám sức khoẻ, cấp thuốc điều trị chữa bệnh cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh...góp phần chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho người có công với cách mạng.
Toàn tỉnh hiện có 442 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên khi các Mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi các mẹ qua đời; nhiều đơn vị còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, tổ chức đưa các mẹ đi tham quan, du lịch…
Cùng với phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, công tác chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nhận đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cũng luôn được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm và thực hiện tốt.