Quảng Nam: 10 đợt thiên tai năm 2022 gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến năm 2021, thời tiết thủy văn các địa phương Quảng Nam có biến động lớn, diễn biến rất phức tạp: nền nhiệt độ cao, lượng mưa phân hoá mạnh, mùa khô mực nước sông xuống rất thấp, mùa mưa bắt đầu khá sớm và kết thúc muộn, đặc biệt cuối tháng 12 vẫn còn bão số 9, có cường độ rất mạnh trên Biển Đông. Trong 8 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của 10 đợt thiên tai đã gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng,… của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ước tính thiệt hại khoảng 980 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì hội nghị - (Ảnh: quangnam.gov.vn). |
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn trái mùa từ ngày 30/3 đến ngày 04/4, dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... của Nhà nước và nhân dân. Tổng ước tính thiệt hại khoảng 1.016 tỷ đồng.
Để chủ động triển khai công tác PCTT&TKCN năm 2022, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo, rà soát, kiện toàn các ban chỉ đạo, hoàn thiện phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro.
Quảng Nam là một trong những địa phương liên tục gánh chịu thiên tai, mưa lũ, sạt lở tàn phá, hạ tầng giao thông bị thiệt hại nặng nề - (Ảnh: Đại Thắng/TC GTVT). |
Đến nay đã có 10/18 địa phương: Nam Trà My, Duy Xuyên, Quế Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Hội An, Tiên Phước, Điện Bàn, Hiệp Đức xây dựng, phê duyệt và gửi Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 cấp huyện về Sở Nông nghiệp và PTNT; 04/18 địa phương: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn rà soát, cập nhật và gửi phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro năm 2022 cấp huyện về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.
Cũng tại cuộc họp, nhiều tồn tại, vướng mắc cũng đã được các Sở, ngành, địa phương kiến nghị, từ đó hoàn thiện, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai trên toàn tỉnh, khắc phục những điểm thiếu sót, hạn chế, nhất là trong công tác báo cáo, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, báo cáo phân bổ, giải ngân kinh phí khắc phục...
Vào đầu tháng 4/2022, mưa lớn làm vỡ đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) - (Ảnh: T.C/QNO). |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN cần tập trung, chủ động, nắm thông tin nhanh, kịp thời, nhưng phải đảm bảo chính xác. Rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; phân công trách nhiệm từng thành viên. Tiếp tục rà soát, củng cố và nâng cao năng lực lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, dư báo đúng tình hình; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra.
Đối với phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phát huy tính chủ động, nâng cao năng lực ứng phó trong mọi tình huống. Trong đó, đặc biệt lưu ý các kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, tắc đường, cô lập ở miền núi theo hướng phát huy tối đa phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó, giảm bớt thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.