Quảng Bình đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
Vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”
Mục tiêu của Quảng Bình trong năm 2016 sẽ đẩy mạnh các giải pháp để đảm bảo ATGT, giảm 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2015. Để thực hiện mục tiêu này từ nay đến cuối năm, Quảng Bình tăng triển khai nhiều hoạt động.
Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, chú trọng tuyên truyền đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố.
Các lực lượng Quảng Bình ra quân tuyên truyền về ATGT
Đặc biệt Quảng Bình tập trung tuyên truyền vào đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn. Ngoài ra phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Các lực lượng chức năng tại Quảng Bình được huy động, tăng cường tuần tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường, mũ bảo hiểm, xe 3 bánh, xe 4 bánh gắn động cơ và mô tô, xe máy chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định, phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh...
UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các lực lượng ra quân hưởng ứng ATGT góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông cho người dân trên địa bàn. Các sở, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; khắc phục hư hỏng do mưa lũ gây ra đối với tuyến giao thông quan trọng được giao quản lý.
Công an Quảng Bình ra quân xử lý xe khách vi phạm về ATGT
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình còn quan tâm đến việc xử lý các điểm “đen” về TNGT, yêu cầu các sở, ngành địa phương đề xuất nguồn vốn để xử lý những điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT. Đồng thời tỉnh này còn chỉ đạo tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tổ chức điều tiết giao thông, chống va, trôi đối với các công trình vượt sông. Các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong giám sát, xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng cường việc giảng dạy, phổ biến “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa; tăng cường giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh trung học; kiểm tra, giám sát việc khám sức khỏe đối với lái xe và năng lực cấp cứu tai nạn của hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; tập huấn về kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, xã, lái xe kinh doanh vận tải và tình nguyện viên...
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 và xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ Năm An toàn giao thông 2017; tổ chức hiệu quả đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, mùa Lễ hội Xuân 2017 và Lễ ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017.
Đồng bộ giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại điểm “đen” TNGT
Huyện Bố Trạch là vùng có tỉ lệ TNGT cao của tỉnh Quảng Bình. Do huyện này có diện tích rộng, mạng lưới giao thông đa dạng bao gồm tuyến Quốc lộ 1 đi qua 11 xã, thị trấn, 2 nhánh đông và tây đường Hồ Chí Minh; đường 20 nối liền các tuyến đường dọc huyện; có Cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma (Lào); tỉnh lộ 2A, 2B, tỉnh lộ 566 và các tuyến đường liên thôn, liên xã dài hàng trăm km. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có tuyến đường sắt qua địa bàn 8 xã dọc từ đầu đến cuối huyện và tuyến đường thủy nội địa có tổng chiều dài 61,3 km.
Quảng Bình tập trung đẩy lùi những điểm tiềm ẩn về nguy cơ TNGT
Mặc dù huyện Bố Trạch là khu vực gồm nhiều tuyến đường lưu thông nhưng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn lại chưa đồng đều; tổ chức giao thông còn nhiều bất cập đã và đang gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Để nâng cao công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, công an huyện Bố Trạch đã thực hiện nhiều giải pháp: tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT; phá hoại, xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông, vi phạm quy định về kinh doanh vận tải và trật tự ATGT....
Trước hết, Công an huyện Bố Trạch tiến hành nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phối hợp với Đài Truyền thanh huyện xây dựng các phóng sự, thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về trật tự ATGT trên địa bàn. Đồng thời thông qua Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học tuyên truyền giáo dục pháp luật trật tự ATGT cho học sinh; tổ chức hướng dẫn cho các chủ phương tiện và lái xe khách đưa đón học sinh trên địa bàn xây dựng quy chế tự quản về việc dừng đổ xe, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, trật tự công cộng và trật tự ATGT...
Việc đẩy mạnh công tác tuần tra cũng được công an huyện Bố Trạch chú trọng. Từ đầu năm đến tháng 11/2016, cảnh sát giao thông huyện đã thực hiện 686 ca tuần tra kiểm soát, với 2.388 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia và phát hiện 2.219 trường hợp vi phạm; trong đó lập biên bản 1.844 trường hợp vi phạm, tạm giữ 41 xe ô tô, 603 xe mô tô, 1.200 giấy tờ các loại; phạt tại chỗ 375 trường hợp.
Đối với ATGT đường thuỷ nội địa và đường sắt, công an huyện phối hợp với Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các thuyền du lịch thực hiện nghiêm túc các quy định, nhằm bảo đảm an toàn cho khách tham quan. Còn các địa phương dọc tuyến đường sắt, các nhà ga, cung đường, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân sống gần đó không chăn thả gia súc, không ném đất đá và chất bẩn lên tàu, không ăn cắp các phụ kiện đường sắt...
Bên cạnh việc tuyên truyền, huyện Bố Trạch còn duy trì có hiệu quả xây dựng nhiều mô hình tự quản tại cơ sở gồm: “Tổ tự quản về trật tự ATGT”, “Đoạn đường, ngõ phố tự quản”, “Tuyến sông, bến đò, đội thuyền phục vụ khách du lịch an toàn”...
Nhờ tiến hành nhiều giải pháo đồng bộ mà nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân trong huyện bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn huyện vì thế đã có nhiều chuyển biến tích cực; giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tính riêng từ 16/11/2015 đến 15/10/2016, trên địa bàn huyện Bố Trạch, không xảy ra bất cứ vụ tai nạn giao thông nào về đường thuỷ. Tình hình an ninh trật tự và ATGT đường sắt có chuyển biến. Đường bộ xảy ra 48 vụ TNGT, làm chết 19 người, bị thương 51 người, thiệt hại tài sản khoảng hơn 219.000.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2015 đã giảm được 8 vụ (giảm 14%), giảm 3 người chết (giảm 13,6%) và giảm 11 người bị thương (giảm 17,7%); thiệt hại tài sản giảm 127.000.000đ (giảm 36,5%).
Minh Duy