Quảng Bình đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam – Lào
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 09/7/2018 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện nhiệm vụ hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh nước CHDCND Lào; nội dung Biên bản hợp tác giữa Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Bình với các tỉnh Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt và văn bản thỏa thuận khác.
Xe và hàng hóa qua lại cửa khẩu Cha Lo để thông thương với Lào - Ảnh tư liệu |
Sở Công Thương tuyên truyền, phổ biến nội dung các Hiệp định đã ký giữa hai nước, quy định hiện hành về hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh, biên bản hợp tác giữa Quảng Bình và các tỉnh biên giới của Lào, chú trọng đối tượng là thương nhân hoạt động thương mại biên giới, kinh doanh xuất nhập khẩu, logicstic qua các cặp cửa khẩu Việt – Lào, hoạt động trao đổi mua bán của cư dân biên giới; hướng dẫn quy trình, thủ tục về thương nhân hoạt động thương mại biên giới cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương và dịch vụ khác để thúc đẩy hoạt động trao đổi, lưu thông hàng hóa, dịch vụ logicstic với các tỉnh có chung đường biên giới của nước CHDCND Lào; tổ chức kết nối, phối hợp liên ngành về rà soát, trao đổi với phía các tỉnh biên giới của Lào trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản, thủy hải sản lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Hải quan Quảng Bình hướng dẫn các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục cho thương nhân biên giới và cư dân biên giới thực hiện mua bán, trao đổi mua bán hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình tiếp tục khuyến khích, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu, bao gồm cả lập chi nhánh, phòng giao dịch và cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử tại khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu; chủ động, tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch, thanh toán, thu đổi ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam và Lào.
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo nhìn từ trên cao - Ảnh baodantoc.vn |
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm quy định về hoạt động thương mại biên giới; tăng cường công tác kiểm tra xử lý vụ việc, trường hợp có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề nổi cộm… gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; kiểm tra tình hình, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại khu vực biên giới.
UBND các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới, cửa khẩu, logistics; tăng cường phối hợp bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới; tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu.