Qatar và 3 hợp đồng vũ khí bự: Cái giá khét lẹt khi mua bảo hiểm "kim cương" từ phương Tây
Chương trình nâng cấp sức mạnh không quân quy mô lớn của Qatar, trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh đang phải đối mặt với khủng hoảng, đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về khả năng của nước này trong việc tích hợp các hệ thống mới vào lực lượng quân đội.
Gần đây, Anh đã ký thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD cung cấp cho Qatar 24 máy bay chiến đấu Typhoon sau khi quốc gia này đạt được hai thỏa thuận liên tiếp để mua 36 tiêm kích Boeing F-15QA từ Mỹ và 12 tiêm kích Dassault Rafale từ Pháp.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp nắm rõ các thỏa thuận trên đã nhấn mạnh về những khả năng tăng cường mà 3 mẫu máy bay mới có thể mang lại cho Qatar: "Không quân Qatar sẽ có tổng cộng 96 máy bay mới, thay vì chỉ có phi đoàn 12 máy bay chiến đấu Mirage-2000 như hiện nay".
Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon tại triển lãm hàng không Paris Airshow 2015. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin, Qatar đang gặp phải một vấn đề, đó là không đủ nhân lực để vận hành 3 mẫu chiến đấu cơ hàng đầu thế giới.
"Để bù đắp tình trạng thiếu nhân lực, Qatar chắc chắn sẽ phải tuyển dụng các lực lượng nước ngoài - Nguồn tin nói.
Hiện lực lượng quân đội của Qatar có chỉ có quân số khoảng 27.500 người, trong đó quân số của lực lượng không quân là 2.500.
"Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trực thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã ký kết nhiều thỏa thuận vũ khí lớn với Mỹ và các quốc gia hàng đầu khác của phương Tây như một dạng phí bảo hiểm:
GCC giúp ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây duy trì công ăn việc làm, đổi lại, phương Tây sẽ bảo vệ các quốc gia GCC trước các mối đe dọa từ bên ngoài" - Nhà nghiên cứu Yezid Sayeg tại Trung tâm Trung Đông của Viện Carnegie nhận định.
"Các thỏa thuận vũ khí gần đây của Qatar là một minh chứng kinh điển cho điều này.
Đặc biệt, nhờ được Mỹ đồng ý cung cấp các hệ thống vũ khí lớn ngay từ đầu cuộc xung đột với các nước láng giềng, Qatar đã làm suy yếu những cáo buộc từ phía Saudi/UAE rằng họ là một thế lực thù địch và làm nổi bật sự hỗ trợ từ Mỹ, bất chấp các tuyên bố theo hướng ngược lại của ông Trump (tán thành việc các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Qatar)" - ông Sayeg nói.
Tiêm kích Eurofighter Typhoon bay trình diễn
Theo một đại diện giấu tên đến từ tập đoàn BAE Systems, việc giành được hợp đồng xuất khẩu máy bay chiến đấu Typhoon "đóng một vai trò quan trọng đối với sự bền vững lâu dài của dây chuyền sản xuất giá trị cao và đảm bảo công ăn việc làm của hãng tại Anh".
"Việc ký kết hợp đồng này cho phép chúng tôi đảm bảo công tác sản xuất máy bay chiến đấu Typhoon trong thập kỷ tiếp theo" - Vị đại diện nói.
Tháng 10 năm ngoái, BAE Systems thông báo đã cắt giảm gần 2.000 việc làm trên một số địa bàn hoạt động ở Anh, nhất là tại Warton, nơi doanh nghiệp này đang chế tạo và lắp ráp các máy bay chiến đấu Typhoon, cũng như máy bay huấn luyện Hawk.
Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình chi tiêu quân sự tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), đã mô tả chương trình nâng cấp quân đội của Qatar "là bước lột xác hoàn toàn từ một lực lượng vũ trang quy mô rất nhỏ thành lực lượng vũ trang có quy mô và công nghệ thuộc hàng lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới".
"Trên phương diện nhập khẩu, Qatar đi từ một nước có sản lượng nhập khẩu vũ khí khiêm tốn trước năm 2014 trở thành một nước nhập khẩu vũ khí đáng kể. Và dựa trên loạt hợp đồng lớn đã ký kết trong 2 năm qua, sản lượng nhập khẩu vũ khí của Qatar dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong những năm tới" - ông Wezeman nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Wezeman, Qatar là một nước nhỏ, sản lượng nhập khẩu vũ khí nhìn chung vẫn thấp hơn các nước Saudi Arabia và UAE.
Đề cập tới những khó khăn mà Qatar có thể phải đối mặt, vị chuyên gia cho rằng điều đó còn phải xem khả năng của nước này trong việc tích hợp các hệ thống vũ khí mới vào lực lượng quân đội và mức độ phụ thuộc của họ vào sự hỗ trợ từ nước ngoài, bao gồm cả vấn đề nhân lực.
QS