Phục hồi thành công san hô tại trên nền đáy tự nhiên và nhân tạo ở Côn Đảo
Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện dự án này từ tháng 5/2018- 4/2021, mục tiêu là phục hồi và quản lý một số rạn san hô tại khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo có sự tham gia của cộng đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án, chủ trì buổi làm việc.
Theo đánh giá, vùng biển Côn Đảo có sự đa dạng sinh học biển vào nhóm bậc nhất Việt Nam với rạn san hô đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều rạn san hô Côn Đảo đã có sự phục hồi khá tốt sau các tai biến. Tuy nhiên, một số vùng rạn không thể phục hồi sau suy thoái hay có diện tích hẹp do thiếu nền đáy cứng để san hô phát triển. Vì vậy, vấn đề phục hồi san hô cứng đã được Vườn Quốc gia Côn Đảo đề xuất và được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt.
Các nhà nghiên cứu khảo sát trong quá trình tiến hành dự án. Ảnh: TTXVN |
Dự án có mục tiêu chung là phục hồi và quản lý một số rạn san hô tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo có sự tham gia của cộng đồng với 2 mục tiêu cụ thể: đánh giá khả năng phục hồi và quản lý rạn san hô Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo trên cơ sở phân tính hiện trạng rạn san hô và ứng dụng kỹ thuật phục hồi; xây dựng mô hình trồng phục hồi rạn san hô ở Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo (quy mô 3 ha) và quản lý hệ sinh thái rạn san hô nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, phục vụ du lịch sinh thái biển.
Dự án có 6 nội dung được xác định, trong đó có khảo sát lựa chọn địa điểm, xác định quy mô phục hồi san hô cứng tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo; đánh giá hiện trạng rạn san hô tại khu vực đã được chọn lựa trước và sau khi phục hồi, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả phục hồi; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và đào tạo kỹ năng phục hồi rạn san hô cho cán bộ địa phương và cộng đồng. Dự án cũng phục hồi rạn san hô trên nền đáy tự nhiên và mô hình nạn nhân tạo; theo dõi, giám sát xu thế thay đổi, khả năng phát triển của các loài san hô phục hồi, nguồn lợi sinh vật tại vị trí phục hồi; xây dựng quy trình phục hồi, quy mô chăm sóc và bảo vệ san hô cứng.
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết: Địa điểm phục hồi trong khuôn khổ dự án được thực hiện tại ba khu vực là Đất Dốc, Tây Nam Hòn Tài (phục hồi trên nền đáy tự nhiên) và Bãi Cát Lớn (phục hồi trên nền đáy nhân tạo).
Trong thời gian từ tháng 10/2018- 9/2020, dự án đã tổ chức 5 lượt đánh giá và phục hồi san hô cứng ở 3 khu vực, gồm Đất Dốc, Tây Nam Hòn Tài và Bãi Cát Lớn. Tổng cộng trên 6.000 mảnh tập đoàn san hô đã được di dời và cố định trên diện tích 3ha, mỗi khu vực 1ha.
Trên nền đáy nhân tạo, san hô được phục hồi bằng phương pháp tách mảnh tập đoàn theo hướng dẫn phục hồi của Heeger & Sotto và Edwards. Đối với nền đáy là giá thể nhân tạo, các tập đoàn san hô được cố định trên giá thể bê tông dạng vòm kích thước đường kính 100x60cm (2 đáy), cao 80cm, dày 5cm, có từ 8 - 10 lỗ (10 - 15 cm) để tăng khả năng cố định san hô và tạo điều kiện cho các sinh vật vào cư trú. Tổng số bồn bê tông làm giá thể nhân tạo trong dự án này là 150 bồn.
Đối với nền đáy tự nhiên, các mảnh tập đoàn san hô được cố định trực tiếp trên nền san hô chết bằng dây cước hoặc dây rút. Để tạo sự chắc chắn, dùng cọc sắt hoặc đinh thép đóng trên nền san hô chết làm điểm tựa cố định san hô. Khoảng cách trung bình giữa các tập đoàn là khoảng 0,50 – 1 mét với cách gắn sao cho cành san hô theo hướng thẳng đứng và tiếp xúc được nhiều nhất với bề mặt giá thể là nền san hô chết hoặc cọc sắt.
Sau khi phục hồi thành công cần có phương án bảo vệ và khai thác du lịch phù hợp với các rạn san hô tại Côn Đảo-Ảnh: VQG cung cấp |
Ngoài ra, những cành san hô “cấy” đều được đeo thẻ để tiện cho việc kiểm tra theo định kì. Bảy loài san hô thuộc ba giống Acropora, Montipora, Pocilloporavà hai họ là Acroporidae và Pocilloporidae được lựa chọn để phục hồi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, san hô Côn Đảo chịu nhiều tai biến nhưng rất may khả năng tái tạo tự nhiên của các rạn san hô rất tốt, độ phủ san hô cao. Sắp tới, Vườn Quốc gia Côn Đảo cần tăng cường công tác quản lý các rạn san hô, thành lập các vùng bảo tồn san hô để tạo điều kiện cho sinh vật biển sinh sống, phát triển và phát tán ra môi trường tự nhiên; huy động bằng hình thức xã hội hóa các doanh nghiệp du lịch để cộng đồng chung tay vừa khai thác nguồn lợi thủy sản vừa bảo vệ, nuôi trồng, khai thác thủy sản một cách bền vững.
Theo đại diện Viện Hải Dương học Nha Trang, sắp tới Vườn Quốc gia Côn Đảo cần căng cường công tác quản lý các rạn san hô, thành lập các vùng bảo tồn san hô để tạo điều kiện cho sinh vật biển sinh sống, phát triển và phát tán ra môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, cần huy động bằng hình thức xã hội hóa các doanh nghiệp du lịch để cộng đồng chung tay để vừa khai thác nguồn lợi thủy sản vừa bảo vệ, nuôi trồng, khai thác thủy sản một cách bền vững.
Hội đồng tư vấn đánh giá dự án đạt yêu cầu nghiệm thu với sự đồng thuận của tất cả 9/9 thành viên khoa học tham gia Hội đồng. Thời gian tới, sau khi chuyển giao dự án cho Vườn Quốc gia Côn Đảo, các cơ quan chức năng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng các cơ quan quản lý phục hồi các rạn san hô để phục vụ du lịch, tạo các rạn san hô nhân tạo ở các vùng biển sâu để phát triển du lịch mạo hiểm…
Côn Đảo: Nỗi lo thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt Nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế xã hội đang trở thành vấn đề rất lớn đối với huyện Côn Đảo. |
Côn Đảo: Vùng đất quyến rũ nhất hành tinh Côn Đảo là một trong những hòn đảo xinh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây là sự giao hòa của quá khứ và hiện tại, hoang sơ, thanh khiết như nàng công chúa trong chuyện cổ tích chờ chàng hoàng tử đánh thức. |
Côn Đảo: Bãi biển hoang sơ bậc nhất Việt Nam Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ bậc nhất Việt Nam. Thiên đường nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách nhờ phong cảnh tuyệt đẹp và giá trị lịch sử lâu đời. |