Phú Bình, Thái Nguyên: Tích cực hiện đại hóa hạ tầng để thu hút đầu tư
Để đi sâu vào tìm hiểu thực tế tình hình, PV đã được ông Hoàng Thanh Giao – Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ kinh nghiệm của chính quyền nơi đây.
Xin chào ông Hoàng Thanh Giao. Thưa ông, tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Phú Bình nói riêng đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xin ông cho biết tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện nay?
Công nghiệp là ngành mới nổi của huyện. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp trong xu thế hiện nay, huyện Phú Bình xác định cần có đột phá từ phát triển công nghiệp. Đây là tư tưởng chủ đạo được quán triệt trong hệ thống chính trị của huyện.
Ông Hoàng Thanh Giao – Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, Thái Nguyên
Tới năm 2010, Phú Bình vẫn là huyện thuần nông. Trước đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đã đề nghị và được tỉnh chấp thuận quy hoạch Khu công nghiệp Điềm Thụy với diện tích 350ha, được chia làm 02 khu, khu A (180ha) và khu B (170ha). KCN có lợi thế nằm gần Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên và có tuyến đường 266 Điềm Thụy - Sông Công đi qua.
Khu A – KCN Điềm Thụy đã được lấp đầy bởi trên 40 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với trên 600 triệu USD
Từ năm 2013, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh, huyện đã cùng với Ban Quản lý các KCN tỉnh và Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên (chủ đầu tư khu B) tranh thủ cơ hội, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đón đầu làn sóng đầu tư. Đến nay, khu A đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, được lấp đầy với trên 40 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với lượng vốn FDI lên tới trên 600 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tiêu biểu như các công ty/tập đoàn lớn: Bokwang, Alutec, Mani,…
Nhà máy Bokwang Vina, KCN Điềm Thụy
Hiện nay, Khu B đã giải phóng mặt bằng được trên 30ha, thu hút được 03 doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Tương tự khu A, khu B có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như: Nằm trong vùng có khí hậu, địa chất, điều kiện thủy văn ổn định, nằm giữa hai trung tâm giáo dục lớn nhất của cả nước là Hà Nội và Thái Nguyên, có khả năng cung cấp đủ nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Đặc biệt KCN nằm ở vị trí kết nối ngay với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Quốc lộ 3 cũ, đường 266 Điềm Thuy – Sông Công, đường gom nối tới KCN Yên Bình, qua đó tạo lợi thế lớn trong đầu tư.
Bên cạnh KCN Điềm Thụy, huyện Phú Bình còn có Cụm công nghiệp Kha Sơn với Nhà máy may TNG; cụm công nghiệp Điềm Thụy với Nhà máy kẽm và kim loại màu Việt Bắc, Nhà máy may TDT… sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã tác động tích cực đến sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Như ông chia sẻ, với sự phát triển của KCN Điểm Thụy và nhiều cụm CN như vậy, thì ông đánh giá tác động như thế nào về mặt kinh tế - xã hội từ các trung tâm công nghiệp của huyện?
Các dự án tại KCN Điềm Thụy và các cụm công nghiệp đã tạo việc làm cho trên 25.000 lao động và con số lao động sẽ tiếp tục tăng lên khi các doanh nghiệp trong KCN hoàn thành giai đoạn đầu tư, đi vào sản xuất. Điều này gián tiếp nâng cao mặt bằng thu nhập và đời sống của nhân dân trên nhiều phương diện.
Sự phát triển của KCN Điềm Thụy đã tác động tích cực lên các ngành kinh tế khác trên địa bàn huyện nói chung và xã Điềm Thụy nói riêng. Hiện nay trên địa bàn xã Điềm Thụy, ngoài KCN Điềm Thụy, còn có Cụm công nghiệp Điềm Thụy (52ha) cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; hàng loạt các dự án khu dân cư, nhà ở cho công nhân cũng đang được xây dựng. Năm 2017, xã Điềm Thụy đã trở thành xã nông thôn mới, hiện nay, địa phương đang tích cực đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, qua đó góp phần thay đổi diện mạo, phấn đấu đưa xã Điềm Thụy đạt tiêu chí đô thị loại V và trở thành thị trấn vào năm 2020.
Hiệu quả của thu hút đầu tư đã góp phần tích cực vào tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu của huyện Phú Bình. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt cao, 25,8%; trong giai đoạn 2015 - 2017, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 109,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Hết năm 2017, so với năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 37,3% lên 50,4%; khu vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 30,8% xuống còn 19,4%.
Một góc Khu du lịch Hồ Kim Đĩnh, xã Tân Kim, huyện Phú Bình
Ông có chia sẻ, trước năm 2010 Phú Bình là huyện thuần nông và có nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp. Vậy thời gian qua huyện đã phát huy thế mạnh này như thế nào, thưa Ông?
Phú Bình là địa phương có lợi thế, điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khoảng 70% dân số của huyện vẫn làm nông nghiệp, do vậy huyện xác định phát triển nông nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát triển bền vững.
Trong những năm qua, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, huyện đã nỗ lực trong việc gây dựng các thương hiệu nông sản, liên kết trong sản xuất, xây dựng các cánh đồng lớn, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Trên cơ sở các thương hiệu nông sản được công nhận Nhãn hiệu tập thể như: Gà đồi Phú Bình, Nếp Thầu Dầu Phú Bình... huyện đã tổ chức, liên kết sản xuất, hình thành các HTX hoạt động hiệu quả như: HTX gà đồi Đông Thịnh (xã Tân Khánh), Tổ hợp tác tương nếp Tuyến Loan (xã Úc Kỳ), HTX ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành)... các HTX, tổ hợp tác đã có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, tạo doanh thu, thu nhập cao cho các xã viên.
Ngọt ngào, dẻo thơm gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông sản được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã tạo điều kiện để Công ty CP chế biến thực phẩm Cầu Mây xây dựng Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện nay, dây chuyền sản xuất của Công ty đã cung ứng ra thị trường gần 10 tấn sản phẩm/ngày.
Tại Cụm công nghiệp Điềm Thụy, Công ty TNHH Kibaco cũng đã đăng ký thực hiện dự án xây dựng Nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu với diện tích trên 10ha. Đặc biệt, thời gian qua, huyện Phú Bình đã thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng được 03 cánh đồng lớn tại các xã Tân Đức, Úc Kỳ, Xuân Phương với diện tích trên 200ha, đã thu hút được Tập đoàn Quế Lâm đăng ký đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cánh đồng lớn xã Tân Đức.
Để phát triển thế mạnh là nông nghiệp và KCN thì đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chắc chắn là “điều kiện cần” để Phú Bình thu hút đầu tư. Trong điều kiện có sự cạnh tranh rất lớn về thu hút đầu tư giữa các địa phương, để giải quyết vấn đề này, huyện, tỉnh có chủ trương gì, thưa Ông?
Chúng tôi xác định: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là động lực phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh các khu, cụm công nghiệp đã, đang được kết nối hạ tầng đồng bộ, huyện Phú Bình còn hơn 3.000ha đất thuộc quy hoạch Tổ hợp nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ Yên Bình.
Để thu hút đầu tư vào Tổ hợp cũng như tạo động lực phát triển huyện Phú Bình trong giai đoạn tới, một dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được triển khai, đó là Dự án đường Vành đai V, nối Quốc lộ 37 với Quốc lộ 3 mới. Dự án này có đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông - Tây Khu Tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu với chiều dài hơn 9km đi qua các xã: Xuân Phương, Nga My, Hà Châu sang thị xã Phổ Yên (nối vào nút giao Yên Bình) đang được giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công vào quý II/2018. Còn lại đoạn tuyến nối Quốc lộ 37 đến cầu vượt sông Cầu, hiện nay đã được huyện Phú Bình giải phóng mặt bằng và được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư theo hình thức BT, dự kiến sẽ được xây dựng trong quý III/2018. Dự án đường vành đai V hứa hẹn là dự án động lực quan trọng, tăng cường kết nối huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, góp phần thu hút đầu tư vào huyện thời gian tới và thực tế, hiện nay đã có doanh nghiệp đăng ký và được chấp thuận dự án đầu tư khu sinh thái, giải trí vào xã Nga My (dự án nằm bên đường vành đai V).
Ngoài dự án đường vành đai V, huyện Phú Bình đã đề nghị và được UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án đầu tư tuyến đường 261 Điềm Thụy - Phổ Yên và mở rộng tuyến đường 266 Điềm Thụy - Sông Công. Đây cũng là những dự án giao thông quan trọng, khi được đầu tư xây dựng sẽ góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt vào KCN Điềm Thụy (phần 170ha) và CCN Điềm Thụy.
Có thể nói thời gian qua phát triển kết cấu hạ tầng đã có vai trò quan trọng để Phú Bình mời gọi đầu tư vào nhiều lĩnh vực dự án huyện quan tâm và có lợi thế. Vậy trong thời gian tới định hướng thu hút đầu tư của huyện như thế nào, thưa Ông?
Những kết quả trong thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thời gian qua là tiền đề quan trọng để Phú Bình tiếp tục mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực, dự án mà huyện đang quan tâm và có nhiều lợi thế.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên vào tháng 06/2018 tới đây, huyện Phú Bình sẽ tập trung mời gọi, thu hút đầu tư vào Tổ hợp đô thị, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ Yên Bình với các dự án du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; KCN Điềm Thụy phần 170ha với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; Cụm công nghiệp Điềm Thụy với lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản.
Bên cạnh đó huyện tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhà ở, phát triển hạ tầng giao thông. Huyện khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của huyện.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Phạm Tài