Phong phú các hoạt động trong “Tuần lễ Pushkin tại Hà Nội”
Chương trình gồm: triển lãm tranh, các buổi chiếu phim, lễ dâng hoa tại tượng đài Pushkin, chương trình hòa nhạc, hội nghị bàn tròn, seminar, giờ học mở nhằm giúp các em học sinh, sinh viên Việt Nam cũng như những người yêu nước Nga và văn hóa Nga hiểu rõ hơn về văn học, nghệ thuật xứ sở bạch dương…
Triển lãm tranh “Cuộc đời và số phận của Alexander Pushkin” (từ bộ sưu tập của V. Belikov) bắt đầu từ ngày 4/6, mở cửa tự do cho công chúng tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội (501 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
Hai bộ phim được trình chiếu trong Tuần lễ kỷ niệm 225 năm ngày sinh đại thi hào Pushkin là “Người cai ngục” của đạo diễn S. Solovyova (chiếu ngày 4/6) và “Bão tuyết” của đạo diễn V. Basov (chiếu ngày 8/6).
Một tiết mục biểu diễn tại buổi “Dạ hội cùng Pushkin”. (Ảnh: Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội) |
“Dạ hội cùng Pushkin” được Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức ngày 6/6. Tại đây, các dịch giả danh dự của Việt Nam và các học sinh, sinh viên đã trình diễn các bài thơ của Pushkin bằng tiếng Nga và tiếng Việt. Các thành viên Hội Dịch giả Việt Nam Hoàng Thuý Toàn, Lê Đức Mẫn và Vũ Thế Khôi cũng giới thiệu ấn bản mới thơ trữ tình của Pushkin bằng tiếng Việt, phát hành nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vladimir Murashkin, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cho biết: “Theo truyền thống, Ngày Pushkin của Nga và Ngày Quốc tế tiếng Nga được tổ chức tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội như những ngày lễ lớn, trở thành cơ sở cho giao lưu văn hóa, giáo dục và nghề nghiệp”.
Lễ dâng hoa tại tượng đài đại thi hào Pushkin. (Ảnh: Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội) |
Cùng ngày, tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội) đã diễn ra lễ dâng hoa tại tượng đài đại thi hào Pushkin. Dự lễ dâng hoa có các cán bộ Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, thầy cô giáo các trường trung học phổ thông và đại học Việt Nam, các thành viên của nhóm nhạc “Bạch dương”, học sinh, sinh viên Nga và Việt Nam, các nhà nghiên cứu nổi tiếng về Pushkin và dịch giả.
Dưới chân tượng đài, theo truyền thống lâu đời của Nga, những dòng thơ của Pushkin đã vang lên. Những người tham gia buổi lễ thơ ca Nga đã trình diễn những bài thơ Pushkin yêu thích của mình như: “Tượng đài”, “Anh yêu em”, “Gửi nhũ mẫu”, “Đừng hát bên anh nữa, người đẹp ơi”, “Buổi sáng mùa đông” , “D.V. Davydov" và "Thư Tatiana gửi Onegin" bằng tiếng Nga và tiếng Việt.