Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lo ngại doanh nghiệp vốn mỏng khiến lợi nhuận kém
Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu nhà nước còn hạn chế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: "Chính phủ đang quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư. Chính phủ coi việc phát triển kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ".
Chính phủ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP.
Cụ thể, theo Phó Thủ tướng: “Tình trạng quan tâm hiện nay là DN có vốn mỏng. Tổng cục Thống kê công bố số liệu vào cuối năm 2016 thì chỉ có 47% DN hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận (mặc dù tỷ lệ này cao hơn mức 30% của giai đoạn 5 năm trước đó) và 53% số DN không có lợi nhuận. Phải chăng là do vốn mỏng làm lợi nhuận kém? Nhiều DN tham gia đầu tư dự án mà vốn chủ sở hữu thấp, chi phí tài chính rất cao cùng với các chi phí tiếp cận, logistics… Kể cả các ngân hàng thương mại cung ứng vốn”.
Ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam thiếu vốn dài hạn. Phát triển vốn dài hạn là một trong những giải pháp để các ngân hàng cần nâng vốn để giảm tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn.
“Khi nói đến vốn dài hạn là nói tới các khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm. Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được các khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân, một công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các DN. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu, trong đó có trái phiếu DN cũng đóng vai trò quan trọng. Ngay từ bây giờ Việt Nam cần đẩy nhanh xây dựng Quỹ này", ông MacCana nói.
Trong khi đó, ông A. Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của World Bank cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các giải pháp đột phá về công nghệ sẽ khắc phục được tình trạng vốn mỏng, mở rộng các nguồn vốn trong dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia này cho rằng “phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi đúng hướng, phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện tại".
Các đại biểu tại diễn đàn kinh tế. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các chuyên gia kinh tế và nhấn mạnh giải pháp quan trọng để đa dạng nguồn vốn là gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn - tài chính và thị trường tiền tệ.
Phó Thủ tướng cho rằng: "Gánh nặng của huy động vốn phải chăng ngân hàng đang quá sức". Mục tiêu đến 2020, tổng vốn hoá trên thị trường là 70% GDP. Bên cạnh đó là sự mất cân đối giữa thị trường vốn do chứng khoán cung cấp, mất cân đối giữa thị trường ngắn hạn và dài hạn...
Chia sẻ về kỳ hạn trái phiếu, Phó Thủ tướng cho biết, trước đây chỉ kéo dài khoảng 3 năm, giờ chúng ta phát hành 10, 20 thậm chí 30 năm. Không dừng lại ở đó, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, chúng ta phải làm gì để tái cơ cấu thị trường này, để tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu Chính phủ?
Nói về thị trường chứng khoán, vấn đề bất cập là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta phải phát triển nhanh điều này cũng như đưa ra các biện pháp để giải quyết những bất cập liên quan.
Bên cạnh đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.
Chất lượng của các báo cáo kiểm toán, trách nghiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán, khắc phục việc đưa ra quá nhiều báo cáo tài chính là vấn đề được quan tâm hiện nay để đảm bảo trách nghiệm của đạo đức và trách nghiệm pháp lý. Các chủ thể tài chính cũng quan tâm nhiều đến vấn đề xây dựng vốn cho nền kinh tế.
N.H (t/h)