Philippines chiến thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông
Phán quyết cuối cùng
PCA tuyên bố: "Bất chấp cơ quan hàng hải và ngư dân Trung Quốc đưa ra các lý lẽ lịch sử về việc sử dụng các đảo ở Biển Đông, không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc thực sự có chủ quyền đối với vùng lãnh hải hoặc các nguồn tài nguyên ở đây".
Theo đó, PCA kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển trong phạm vi Đường 9 đoạn.
Tuyên bố của PCA cũng chỉ rõ: các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (chiếm đóng trái phép của Việt Nam) "không thể thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tức không thể áp đặt các quyền lợi của TQ mà không phân định ranh giới trong EEZ của Philippines".
PCA còn chỉ ra rằng, "Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình" bằng cách: (a) can thiệp hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực.
Tòa án tuyên bố ngư dân Philippines có quyền đánh cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough, và Trung Quốc đã vi phạm điều này khi hạn chế ngư dân ngư trường tại đây. PCA cho rằng tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đã tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với các tàu cá Philippines khi cố tình ngăn cản họ.
Nguyên nhân vụ kiện
Tàu hải cảnh Trung Quốc qua lại vùng Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Tranh chấp Biển Đông giữa 2 nước đã diễn ra từ nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino, căng thẳng ngày càng leo thang và đạt đỉnh điểm vào năm 2012, khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough do Philippines chiếm giữ.
Mỹ khi đó đứng ra làm trung gian để cả Trung Quốc và Philippines cùng rút quân khỏi khu vực này. Tuy nhiên, chỉ có Manila tuân thủ thỏa thuận, trong khi Trung Quốc không chịu tuân thủ cam kết và tiếp tục bám trụ lại bãi cạn nói trên.
Không chỉ có thể, tàu hải cảnh Trung Quốc còn bao vây một khu vực khác là Bãi Cỏ Mây, cản trở việc tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm của Philippines cho các binh sĩ đồn trú ở tàu chiến cũ BRP Sierra Madre tại đó.
Cực chẳng đã, Manila tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa vấn đề ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan).
Yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc, tâm điểm của vụ kiện
Trọng tâm của vụ kiện Biển Đông giữa Philippines – Trung Quốc chính là yêu sách Đường 9 đoạn (Đường Lưỡi bò) của Trung Quốc khi nước này cho rằng mình có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực bên trong Đường 9 đoạn và yêu cầu các nước phải tôn trọng chủ quyền phi lý đó để “duy trì hòa bình” trong khu vực.
Đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm tới 2 triệu km2 diện tích Biển Đông, có chiều dài 1.611km kéo từ đảo Hải Nam xuống phía Nam sát với Indonesia và vòng lại đại lục Trung Quốc.
Philippines cho rằng Đường 9 đoạn chồng lấn tới 531.00km2 vùng biển mà Philippines coi là Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của mình, chồng lấn lên cả lãnh thổ của Việt Nam, Malaysia và Brunei.
EEZ là khái niệm được Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận, trong đó một quốc gia ven biển sẽ có đặc quyền thăm dò và khai thác các nguồn lợi trong khu vực cách bờ của quốc gia đó 200 hải lý.
Lý lẽ của 2 bên liên quan
Trung Quốc tự đưa ra những chứng cứ mang tính chủ quan, phi lý để chứng minh tính hợp lý và hợp pháp của Đường 9 đoạn: các “bản đồ cổ” và “ghi chép lịch sử” (ngụy tạo), Hội nghị Cairo năm 1943 và Postdam năm 1945 cùng Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Mỹ, Anh và Nga.
Ngược lại, Philippines khẳng định: Đường 9 đoạn vi phạm các quy định của UNCLOS, vốn được cả 2 nước phê chuẩn vào các năm 1986 và 1996, trong đó nêu rõ trường hợp các quốc gia có thể thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như thực hiệc việc thăm dò và khai thác.
Văn bản dày 4.000 trang với tổng cộng 10 chương mà Philippines đệ trình lên PCA hồi năm 2014 đã mô tả rất kỹ lưỡng về tính chất địa chất, địa lý và đặc tính cụ thể của từng thực thể ở Biển Đông và từ đó đề nghị PCA ra phán quyết yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách Đường 9 đoạn của mình.
Trong văn bản đó, Philippines nêu rõ, theo UNCLOS, Đường 9 đoạn [nếu có và được công nhận] phải được tính từ đại lục Trung Quốc ra biển chứ không phải từ cái gọi là “chủ quyền lịch sử hay bản đồ cổ” do Trung Quốc tự đưa ra.
Philippines cũng khẳng định: không có đảo hay bất cứ thực thể nào ở Biển Đông đủ lớn để Trung Quốc có thể làm căn cứ áp đặt Đường 9 đoạn “nuốt trọn” gần như toàn bộ Biển Đông.
Diễn biến vụ kiện
Hội đồng trọng tài của PCA tiến hành xét xử vụ kiện. (Ảnh: PCA)
Ngày 22/1/2013: Philippines bắt đầu vụ kiện trọng tài chống lại Trung Quốc theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngày 19/2/2013: Trung Quốc gửi Philippines công hàm đưa ra “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông”.
Ngày 17/12/2014: Trung Quốc công bố Tuyên bố lập trường, nhằm chứng minh PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện.
Ngày 7-13/7/2015: PCA mở phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý trong vụ kiện. Malaysia, Indonesia, Thái lan, Việt Nam và Nhật Bản được phép tham gia với tư cách quan sát viên.
Ngày 29/10/2015: Tòa khẳng định có quyền ra phán quyết đối với 7 trong tổng số 15 điểm mà Philippines kiện Trung Quốc.
Ngày 24-30/11/2015: PCA tổ chức phiên điều trần cuối cùng, với 5 nước quan sát viên nói trên.
Ngày 29/6/2016: Tòa phát thông cáo sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7.
Ngày 12/7: PCA ra phán quyết về 7 điểm đã thụ lý.
Ý nghĩa vụ kiện
Dù phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý, PCA vẫn không có cơ chế để thực thi quyết định của mình. Trong khi đó, Bắc Kinh đã khẳng định sẽ "không chấp nhận, không công nhận và không thực thi" phán quyết.
Chính vì thế, không thể mong đợi việc Trung Quốc chủ động ngừng việc xây dựng, bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, mà Bắc Kinh có thể sẽ tỏ ra nhượng bộ, bắt đầu làm giảm căng thẳng với những quốc gia láng giềng, đặc biệt bắt đầu từ Philippines.
Ngoài ra, Mỹ có thể tận dụng phán quyết của tòa để củng cố ý nghĩa của hoạt động tuần tra hàng hải trong khu vực, xây dựng thêm những liên minh mới và tăng cường hỗ trợ thêm cho những đồng minh cũ, vận động dư luận thế giới chống lại các hành động của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng lo ngại Bắc Kinh có thể phản ứng một cách thách thức, theo hướng tiêu cực. Nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa nước này thậm chí có thể rút khỏi UNCLOS.
Giới chức Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo Trung Quốc có thể bắt đầu ngay việc bồi lấp và cải tạo ở bãi Scarborough của Philippines thành một đồn quân sự; qua đó dấy lên nguy cơ đụng độ với đồng minh của Mỹ.
Vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông còn được cho là “phép thử quan trọng” đối với Mỹ và Trung Quốc để xem hai nước có thể cùng phát triển và hợp tác duy trì hòa bình tại khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đối với Mỹ, vụ kiện là điều kiện để Mỹ thể hiện cam kết của mình đối với các đồng minh cũng như các đối tác của châu Á, để những nước này có thể trông đợi vào vai trò duy trì sự ổn định của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, vụ kiện này sẽ cho thấy, Trung Quốc muốn tuân thủ luật pháp quốc tế đến đâu.
Hồng Anh