Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từ ngày 18 đến 20/8, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận lời mời và tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên, ngay sau khi đảm nhiệm cương vị mới, thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai nước trong việc củng cố và phát triển quan hệ song phương. |
Khẳng định những phương hướng lớn |
Sau hơn 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. |
Chính phủ và nhân dân Trung Quốc chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm Trung Quốc, tháng 6/1955. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Trên nền tảng quan hệ đã được lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023, hai nước nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước. Tiếp nối và phát huy hơn nữa xu thế phát triển tốt đẹp, lãnh đạo hai nước duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, không ngừng củng cố nền tảng tin cậy chính trị, tăng cường định hướng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong giai đoạn mới. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đồng thời tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới và từng bước triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV. Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, đi sâu cải cách đã xác định tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. |
|
Việt Nam và Trung Quốc cùng mong muốn thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, với phương hướng “6 hơn” gồm tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10-1/11/2022. (Ảnh: TTXVN) |
Nổi bật trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước là sự khẳng định ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hai bên chia sẻ nhận định quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay. Trong đó, trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp từ trung ương đến địa phương được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, qua đó góp phần tăng cường tin cậy chính trị và tạo xung lực mới cho các cấp, các ngành hai bên. Trong năm nay, Việt Nam đã có hai đoàn lãnh đạo chủ chốt gồm Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Trung Quốc. Ngoài ra, một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương của Việt Nam đã thăm Trung Quốc. Hai bên cũng mở ra các lĩnh vực hợp tác mới, thiết lập thêm cơ chế trao đổi thường niên ở cấp cao giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc. |
Với các ưu thế như khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, hợp tác địa phương ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tổng thể hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Thời gian qua, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các địa phương và nhân dân hai nước diễn ra rất sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực. Các cơ chế giao lưu thường niên, như Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh và Quảng Tây; Hội nghị giữa Bí thư các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên với Vân Nam... Cùng hướng đến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tình hình biên giới trên đất liền về tổng thể duy trì ổn định và tình hình Biển Đông cơ bản được kiểm soát tốt. Trong đó, các cơ chế trao đổi, đàm phán giữa hai bên về vấn đề trên biển được duy trì thường xuyên. |
Mở ra giai đoạn phát triển mới |
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. |
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp đồng chí Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc sang chia buồn với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và dự Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 25/7/2024. (Ảnh: TTXVN) |
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD và trong 6 tháng từ đầu năm, tăng 24,1% so cùng kỳ, đạt 94,5 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh, đạt gần 4,5 tỷ USD trong năm 2023 và số dự án FDI nửa đầu năm nay tiếp tục đứng đầu với 447 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có tiến triển mới với việc hai bên cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi, chanh leo... Hai nước cùng hướng tới gia tăng kết nối, tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương, tận dụng thương mại điện tử và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống logistics. Đồng thời, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa thông qua hợp tác xây dựng hạ tầng thương mại biên giới, đặc biệt là các cặp cửa khẩu thông minh. Qua đó, duy trì và bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai bên và tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc. |
Việt Nam và Trung Quốc nỗ lực duy trì xu thế phát triển ổn định, cân bằng, bền vững trong thương mại song phương, hướng tới tăng cường khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng ở các địa phương. Đồng thời, tận dụng, khai thác tốt vai trò các thỏa thuận hợp tác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và các cơ chế Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO), Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair)... nhằm tăng cường quảng bá, kết nối hợp tác cho doanh nghiệp hai bên. |
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba, ngày 11/6/2024. (Ảnh: TTXVN) |
Các lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác, đầu tư giữa hai nước là nông nghiệp chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, năng lượng xanh. Hai nước có nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kết nối hạ tầng biên giới, hạ tầng đường bộ, đường sắt và dự án công nghệ cao. |
Các hoạt động giao lưu định kỳ như Diễn đàn nhân dân Việt-Trung, giao lưu hữu nghị thanh niên… được tổ chức ngày một hiệu quả, thực chất đã góp phần gia tăng hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị của thế hệ trẻ, củng cố vững chắc nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch đạt nhiều kết quả tốt, hiện có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng gia tăng, trong 7 tháng từ đầu năm 2024 đã đạt khoảng 2,1 triệu lượt. |
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó ưu tiên các nước láng giềng hữu nghị. Đồng thời, chuyến thăm tiếp nối và góp phần phát huy hơn nữa xu thế phát triển tích cực, thuận lợi của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt sau khi hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. |
Tổ chức thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN Nội dung: NINH SƠN - VŨ PHONG Trình bày: NHÃ NAM https://special.nhandan.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tham-trung-quoc/index.html |