Phát triển kinh tế xanh ở Singapore và kinh nghiệm cho TP.HCM
Mô hình thành phố xanh của Singapore
Với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng một Singapore dễ sống, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Năm 1963, Thủ tướng Singapore khi đó là ông Lý Quang Diệu đã phát động dự án phủ xanh Singapore với tầm nhìn tạo ra một “thành phố trong vườn”. Quốc gia này đã “xanh hóa” các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian phục vụ cộng đồng.
Công trình Ventus Naturalized Garden Vườn thiên nhiên Ventus thuộc khuôn viên của Đại học Quốc gia Singapore. (Ảnh: archdaily) |
Các chiến lược được quốc đảo đưa ra là bảo tồn và mở rộng thiên nhiên vốn có; tăng diện tích thiên nhiên trong các khu vườn và công viên; phục hồi mảng xanh ở cảnh quan đô thị,… Bên cạnh đó, Singapore tổ chức nhiều chương trình giáo dục về không gian xanh để giúp cộng đồng có trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe tinh thần.
Năm 2021, chính phủ Singapore phát động Kế hoạch Xanh 2030, một phong trào giúp mọi người có động lực để biến quốc đảo thành một thành phố phát triển bền vững trên toàn cầu. Một nội dung chính của Kế hoạch Xanh 2030 là dành thêm 50% diện tích đất (khoảng 200 ha) cho các công viên thiên nhiên với mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên cả nước để tăng hấp thụ CO2, giúp người dân được hưởng không khí trong sạch hơn và có nhiều bóng râm hơn.
Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore đã dành nhiều thập kỷ nhằm ‘xanh hóa’ các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian để chào đón mọi người đến tận hưởng, cũng như dành ra các khu vực đa dạng sinh học cốt lõi để bảo tồn đa dạng sinh học bản địa của Singapore. Khi Singapore hướng tới xanh hóa cả nước, những thiết kế thân thiện với thiên nhiên trở nên rất quan trọng để khôi phục môi trường sống cũng như đảm bảo rằng cộng đồng tham gia vào những nỗ lực phủ xanh quốc gia.
Ông Damian Tang, Giám đốc thiết kế của Hội đồng Công viên Quốc gia cho biết: Hội đồng có 5 chiến lược chính để biến Singapore thành thành phố thiên nhiên: bảo tồn và mở rộng thiên nhiên vốn có của Singapore; tăng diện tích thiên nhiên trong các khu vườn và công viên; phục hồi thiên nhiên ở cảnh quan đô thị; tăng cường kết nối giữa các không gian xanh của Singapore; phát triển dịch vụ chăm sóc thú y, quản lý động vật và động vật hoang dã hoàn hảo.
Kinh nghiệm cho TP.HCM
Bên lề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM Roy Kho cho biết, Singapore đã và đang hợp tác chặt chẽ với TP.HCM trong phát triển bền vững qua một số hoạt động, bao gồm xây dựng và đào tạo năng lực, trao đổi thông tin và ý tưởng giữa các quan chức chính phủ của cả hai bên.
Tăng trưởng xanh chuyển đổi xanh đã được TPHCM xác định là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn) |
Ông đề cập một số thỏa thuận được ký kết trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gần đây, trong đó có vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh và kỹ thuật số. Thỏa thuận này đã được chuyển thành các dự án kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo và kinh doanh tín chỉ carbon.
“Bây giờ nhiệm vụ của chúng tôi là triển các khai dự án này tại TP.HCM vì thành phố có điều kiện và tiềm năng thuận lợi. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đặt ra các mục tiêu, phương hướng ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu”, ông cho biết.
Chia sẻ về lộ trình thực hiện tăng trưởng xanh, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng trước tiên “cần phải đi vào những vấn đề chạm vào trái tim của người dân trước, để người dân tâm phục khẩu phục, nhận thấy sứ mệnh này thực sự là do người dân, vì người dân và người dân ủng hộ”.
Đó có thể là việc làm sạch sông, tạo môi trường sạch sẽ, chống lụt hiệu quả… Đơn cử như kỹ thuật chống lụt ở nước ngoài rất đơn giản nhưng ở Việt Nam vẫn còn còn theo phương thức cũ, cần phải thay đổi. Cây xanh, môi trường… làm sao để mọi người cảm nhận rằng mỗi ngày chúng ta cố gắng đều có sự tiến bộ.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là làm thế nào để có không khí như “bình dân học vụ” mà thế giới đánh giá là Việt có thể tạo ra sức mạnh cộng hưởng, để người bình thường trở nên phi thường”. Cho rằng đây là “điểm rất đặc biệt” ở Việt Nam, ông Vũ Minh Khương đề cao tầm quan trọng của việc lan tỏa kinh nghiệm tăng trưởng xanh.
Khả năng tạo sức mạnh tổng lực, vị chuyên gia dẫn chứng, có thể từ đưa kinh nghiệm tăng trưởng nước ngoài vào các trường học, nếu có những bạn đưa các clip youtube về bài học kinh tế nhanh ở nước ngoài đạt đến chục ngàn hay hàng triệu view thì cần khen thưởng kịp thời…
Đối với TP.HCM, sự chỉ đạo rất sát sao từ cấp trên cộng với sức mạnh tổng lực của nhân dân có thể tạo nên thành công lớn trong tương lai, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2023 ngày 15/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định: TP.HCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố có Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Nghị quyết đã mở ra nhiều cơ hội cho thành phố khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển mạnh mẽ trở lại. Đồng thời, tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, từ đó kéo theo những điểm nghẽn khác dần được cởi bỏ. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực là rất cần thiết trong lộ trình xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế bền vững. Song song đó, TP.HCM phải đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước. Muốn đạt được những điều đó, thành phố cần tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh. |