Phát triển điện khí LNG: Nhưng câu hỏi cho bài toán khó
Điện khí LNG (Liquefied Natural Gas), được quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt vào tháng 5 vừa qua, đề cập đến như một nguồn quan trọng trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Cụ thể, quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất đặt toàn hệ thống đạt 150-160 GW, tức là gấp đôi so với hiện tại. Có thể nói đây là tham vọng lớn đối với ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam. Con số này nếu đáp ứng được thì sẽ đảm bảo ổn định an ninh năng lượng, bên cạnh đó, nếu cơ cấu nguồn điện khí LNG trong tổng sơ đồ đạt yêu cầu đề ra (năm 2030 khoảng 22.400 MW, chiếm 14,9% cơ cấu nguồn) thì còn đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon dù vẫn bị coi là nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên câu chuyện có lẽ không đơn giản như vậy.
Phát triển điện khí LNG đang đứng trước nhiều thách thức lớn |
Với ưu điểm là có khả năng chạy nền, khởi động và cung cấp điện nhanh nên điện khí LNG luôn được đánh giá cao trong định hướng phát triển, chỉ có điều khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực đang đặt ra những câu hỏi lớn về tính khả thi.
Câu hỏi đầu tiên là về nguồn khí LNG. Theo ước tính của các chuyên gia năng lượng, đến năm 2025 lượng khí thiếu hụt của Việt Nam ước tính là 15 tỷ m3. Điều này xảy ra trong xu hướng nhu cầu về LNG trên thế giới liên tục tăng cao, ước tính tăng bình quân 6,3%/năm. Các quốc gia trên thế giới cũng liên tục nâng cao sản lượng khí nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc hiện đang trở thành nhà nhập khẩu khí LNG lớn nhất thế giới. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp quốc gia này dẫn đầu toàn cầu về mua khí LNG qua hợp đồng dài hạn. Đây là lợi thế tuyệt đối của các nước mua khí với khối lượng lớn, vì các bên cung cấp sẽ ưu tiên họ đáng kể so với các quốc gia mua khối lượng ít hơn. Vì lẽ đó, việc duy trì nguồn cung LNG ổn định phục vụ sản xuất điện là điều không dễ dàng với Việt Nam.
Câu hỏi thứ 2 và đặc biệt quan trọng là giá bán điện. Giá nhập khẩu khí LNG dự kiến là 10,6 USD cho 1 triệu BTU (giá quy về năm 2020 không tính trượt giá) cho cả giai đoạn 2021-2045. Tuy vậy giá thực tế trên thị trường lại rất, rất biến động, vào năm 2022 có thời điểm giá LNG lên đến 32 USD cho 1 triệu BTU tại khu vực ASEAN.
Hiện tại giá điện bán lẻ bình quân là hơn 1900 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), giá bán điện LNG thì ước chừng đắt gấp đôi thuỷ điện và gấp rưỡi nhiệt điện. Sự chênh lệch mức giá đầu vào và ra như vậy thực sự là bài toán khó cho nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi tính toán kiểu gì cũng không ổn thoả, được vế này thì lại không được vế kia.
Với những yếu tố từ lịch sử để lại, thị trường điện và người tiêu dùng điện ở Việt Nam cấu thành lại tạo nên một không gian rất đặc thù. Vì vậy cần một chính sách và phương cách thực thi chính sách rất đặc thù để làm sao đáp ứng hài hoà cả về lợi ích, nhu cầu, tiến độ và quy mô trong quá trình phát triển.
Quy hoạch điện VIII đã ban hành, và như thường lệ thì để nội dung này đi vào cuộc sống thì cơ quan chức năng cần thực hiện một loạt các khâu liên quan. Hiện nay đã bước vào nửa cuối năm 2023, thời gian để thực hiện chỉ còn 7 năm để đạt các mục tiêu đề ra với điện khí LNG. Những lợi ích của LNG thì đã được nói đến nhiều và không cần nhắc lại, điều cần thiết ở đây là một sự linh hoạt, hay nói đúng hơn là cần thực tế trong dự báo vấn đề. Nếu trong thời gian tới, vì nhiều nguyên nhân các khâu triển khai điện khí LNG phải kéo dài hơn dự tính thì vai trò của các nguồn điện truyền thống cần được điều chỉnh kịp thời thế nào để đảm bảo nguồn cung về điện không thiếu hụt mà vẫn duy trì được mức giá bán điện hợp lý? Thiết tưởng những việc này cần phải được hình dung từ bây giờ!