Phát huy vai trò của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động
Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức hội thảo “Vai trò của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực ASEAN” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động (Bộ Lao động-Phúc lợi xã hội Lào) Khamphat Onlasy đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có đại diện đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, các nước ASEAN, Bộ Ứng cứu khẩn cấp Trung Quốc và các chuyên gia của ILO về an toàn lao động.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người lao động luôn phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, có hại. Cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thời gian qua.
Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các chính sách nhằm bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cùng với ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động ngày càng được nâng cao nhưng những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết nhiều người do các nguyên nhân khách quan và chủ quan vẫn xảy ra. Điều này để lại hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần cho người lao động, thân nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội ở mỗi quốc gia.
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay. Quỹ này sẽ bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào Quỹ.
Bảo hiểm tai nạn lao động giúp phòng ngừa rủi ro |
Nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay. Quỹ này sẽ bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào Quỹ.
Tại chương trình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động (Bộ Lao động-Phúc lợi xã hội Lào) Khamphat Onlasy mong muốn, thông qua hội thảo, các đại biểu ASEAN, chuyên gia ILO, Trung Quốc cùng trao đổi, thảo luận và đóng góp những ý kiến, chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm hữu ích giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN trong việc xây dựng và triển khai khuôn khổ pháp lý nói chung về an toàn vệ sinh lao động cũng như chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng trong ASEAN. Đồng thời, hướng tới cách tiếp cận chung, mục tiêu chung trong ASEAN về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó, đưa ra cơ chế hiệu quả nhằm bảo vệ người lao động trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi các nội dung sau.
Thứ nhất là tổng quan về chính sách về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên thế giới và trong khu vực ASEAN.
Thứ hai là góc nhìn từ các nước ngoài khu vực ASEAN, đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng, triển khai Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và công tác phòng ngừa tai nạn lao động sau dịch Covid-19 ở các nước.
Thứ ba là thảo luận về cơ chế hiện có trong khu vực ASEAN, thành tựu và thách thức.
Thứ tư là thảo luận về cơ chế thay thế và nhu cầu thiết lập cơ chế đền bù trong khu vực ASEAN.
Các đại biểu đều nhất trí, hội thảo này là bước khởi đầu cho tương lai để các nước trong khu vực ASEAN có thể xây dựng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động cũng như của Nhà nước, xã hội.
Bảo hiểm tai nạn lao động giúp phòng ngừa rủi ro
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là một phần của quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) ra đời nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả người dân. Không ít người lao động đã được bảo vệ khi không may gặp tai nạn trong quá trình lao động.
Chị Hoàng Thị Liễu Phương, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) không may bị tai nạn trong quá trình làm việc cách đây không lâu chia sẻ: “Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động có ý nghĩa rất lớn với người lao động chúng tôi. Khi tôi bị tai nạn thì ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống cũng như kinh tế gia đình. Quá trình điều trị nhờ bảo hiểm tôi được hưởng chế độ, không phải lo chi phí gì. Công ty tạo điều kiện trợ cấp hàng hàng giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc”.
Dù làm công việc gì, phức tạp hay đơn giản thì người lao động khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, quy định về Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trở thành “điểm tựa” cho nhiều người lao động khi không may gặp rủi ro.
Anh Trần Đăng Nam, công nhân Khu công nghiệp Sài Đồng A (Hà Nội) cho biết “Ngoài việc được trang bị đồ bảo hộ, chúng tôi được công ty đưa đi học tập, đúc rút kinh nghiệm, kiến thức và được thực hành, diễn tập trực tiếp để chuẩn bị cho những trường hợp bất khả kháng xảy ra, phòng tránh tai nạn lao động”.
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ quan trọng của Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều nhận thức rõ và thực hiện tốt các quy định về Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Ông Trần Văn Luật, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Nhà máy sản xuất bê tông ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngoài việc tích cực triển khai các chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công ty luôn đề cao việc trang bị kiến thức, kỹ năng để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình. Sau khi thống nhất quy trình về an toàn lao động, công ty đưa ra quy chế phố biến tới các phòng ban, các tổ trưởng, quản đốc và yêu cầu thực hiện chặt chẽ, nhằm giảm thiểu, hạn chế tai nạn lao động.
“Khi người công nhân vào làm việc thì chúng tôi có cán bộ triển khai, giải thích cho họ hiểu về cách vận hành của các bộ phận trong nhà máy để người lao động nắm vững. Ngoài ra chúng tôi giải thích cho người lao động nguyên nhân nào dẫn đến sự cố, có kiến thức cơ bản trong quá trình sản xuất". - ông Luật cung cấp thông tin.
Để tăng cường thực hiện các chính sách về Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, GS.TS Lê Văn Trình, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động; tích cực thông tin, nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Người lao động sẽ không phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động mà đây sẽ là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Giai đoạn vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Do vậy, không ít doanh nghiệp có đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả trên thực tế.
Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội thiết thức và hữu ích, góp phần bù đắp tổn thất cho người lao động, chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Có thể nói Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động. Thế nên khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ nghĩa vụ cho mình. Như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia vào quá trình làm việc.