Ông Trần Hồng Thái: Sẽ nỗ lực để Lâm Đồng mãi mãi là điểm đến của mọi người
-Thưa ông, sau chưa đầy 2 tháng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, có áp lực nào trong công việc nằm ngoài những dự liệu của ông không?
-Trước khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tôi đã công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quá trình công tác đó tôi đã có nhiều gắn bó với các địa phương, tuy nhiên tôi xác định rõ cần nâng cao kinh nghiệm công tác địa phương. Và khi được phân công về Lâm Đồng thì đây chính là môi trường rèn luyện, đào tạo cán bộ và cho tôi cơ hội được trực tiếp ứng dụng các chính sách của Đảng, nhà nước và cuộc sống phong phú tại địa phương.
Tuy nhiều công việc còn mới mẻ, nhưng tôi ý thức sâu sắc rằng những quyết định, những hoạt động của mình và UBND tỉnh sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 1,4 triệu người dân Lâm Đồng. Vì vậy mọi công việc đều được cá nhân tôi nỗ lực ở mức cao nhất có thể.
Nhưng dù vậy tôi cũng rất vững tâm vì Lâm Đồng nói chung và cá nhân tôi nói riêng đã và đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và sự sát sao của Ban thường vụ, HĐND tỉnh, sự đồng lòng của cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Lâm Đồng, tất cả chung một mục tiêu “Lâm Đồng vượt qua khó khăn vươn lên cùng đất nước”. Do đó, mặc dù công việc còn hết sức nặng nề nhưng tôi không có áp lực nào vượt quá sức chịu đựng của mình.
-Trách nhiệm của người đứng đầu UBND 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn, đặc biệt với những địa phương có nhiều di sản như Lâm Đồng, vì vậy, đâu là những điều ông tâm niệm sẽ theo đuổi vì một giá trị lâu dài cho Lâm Đồng khi được giao làm Chủ tịch tỉnh?
-Trước hết, chúng ta cùng nhìn nhận với nhau về những giá trị, lợi thế tự nhiên của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng, đó là Lâm Đồng nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300-1.500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25oC (đây là lợi thế riêng có của Lâm Đồng không tỉnh nào ở phía Nam có được).
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái luôn mong muốn Lâm Đồng sẽ là nơi chỉ nói với nhau những lời yêu thương và ấm áp |
Lâm Đồng có hệ thống giao thông phát triển với các quốc lộ, tỉnh lộ nối liền với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; có sân bay quốc tế Liên Khương (sân bay quốc tế duy nhất vùng Tây Nguyên). Với lợi thế địa lý, hạ tầng giao thông đang từng bước hoàn thiện, Lâm Đồng có thể trở thành và sẽ trở thành đầu mối huyết mạch giao thông cho toàn bộ vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác cũng như với nhiều nước trên thế giới.
Do đó, có thể khẳng định và định hướng Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên với các ngành kinh tế mũi nhọn về du lịch, nông lâm nghiệp và công nghiệp.
Cùng với đó, Lâm Đồng còn là nơi hội tụ, sinh sống của 47 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống, với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc.
Lâm Đồng hiện đang sở hữu 3 di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”; Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” và thành phố Đà Lạt - thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Bên cạnh đó là kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự thuộc kiểu Pháp, vì vậy, việc bảo tồn và khai thác di sản kiến trúc này có thể tạo ra cơ hội du lịch chất lượng.
Lâm Đồng hiện có 539.403ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 55%, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 Tây Nguyên; có 2 vườn quốc gia là Cát Tiên và Bidoup - Núi Bà; có Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên khu vực Tây Nguyên), đây chính là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch xanh bền vững cho tỉnh.
Với các tiềm năng, giá trị di sản riêng có nêu trên, tôi và lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất định hướng phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đưa Lâm Đồng thành tỉnh tiêu biểu của vùng Tây Nguyên, trong đó đặc biệt là giá trị văn hoá.
Cùng với đó là các tiềm năng mới (kết nối hàng không, kết nối giao thông, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu) để không chỉ Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, thành phố tình yêu, thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc mà toàn tỉnh Lâm Đồng mãi là điểm đến của yêu thương, ấm áp và thân ái.
Với vai trò người đứng đầu UBND tỉnh, tôi cũng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm phải "thấu hiểu" để tổ chức thực hiện theo định hướng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ý thức được rằng cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp "thấu hiểu", đồng hành với chính quyền, bởi chỉ có như vậy thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công Quy hoạch của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành, địa phương quyết tâm cùng quân, dân Lâm Đồng xây dựng tỉnh ngày càng giàu, càng đẹp, và mãi mãi là điểm đến - nơi mà mọi người chỉ nói với nhau những lời yêu thương, ấm áp và thân ái!
-Trên thực tế thì địa phương nào cũng có những thuận lợi cùng khó khăn, và mục tiêu hướng đến thế nào thì tuỳ vào bối cảnh và nguồn lực, với ông, quan điểm lựa chọn sẽ tập trung vào những lợi thế phát triển của tỉnh trước hay xử lý song song cả 2 vế?
-Như đã nói ở trên, Lâm Đồng có rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và con người…nhưng cùng với đó cũng có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Chúng ta cần nhìn nhận thuận lợi, khó khăn, lợi thế phát triển một cách biện chứng, không thể tách rời. UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương sẽ tập trung trước hết cho việc tháo gỡ các bất cập, thiếu sót trong hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành trên cơ sở các quy định vốn có và cập nhật những nội dung mới nhất của pháp luật. Mục tiêu là để xử lý các điểm nghẽn về quy hoạch, về đền bù giải phóng mặt bằng qua đó tạo môi trường phát triển kinh tế thuận lợi, thu hút nhà đầu tư.
Như tôi đã chia sẻ, để người dân, doanh nghiệp và chính quyền “thấu hiểu” lẫn nhau thì đây là quan hệ 2 chiều. Với một bên thì việc kinh doanh, sản xuất phải đúng quy định pháp luật, còn một bên thì phải hạn chế tối đa một việc phải xử lý nhiều lần, nhiều cấp quyết định; có phân cấp, phân nhiệm rõ ràng, việc gì cũng có đích đến, có người chịu trách nhiệm và có thời hạn cụ thể.
Nhìn tổng thể tỉnh sẽ phấn đấu xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dân sinh đạt kết quả cao nhất, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, đẩy mạnh chuỗi tiêu thụ các mặt hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh trong cả nước, từ đó từng bước phát huy các giá trị văn hoá và hiện thực hoá tiềm năng mới của tỉnh Lâm Đồng.
-Tháng 6 năm nay Chính phủ đã công bố quy hoạch Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những mục tiêu đề ra trong quy hoạch là hết sức ấn tượng, và UBND tỉnh là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc thực hiện nội dung này. Để đảm bảo tính khả thi, thưa ông, thứ tự những công việc ông ưu tiên là những gì?
-Ngày 23/6/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ đã công bố quy hoạch Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.
Lâm Đồng coi phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Về nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á.
Về du lịch, tỉnh phấn đấu trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh du lịch được kỳ vọng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Đối với công nghiệp, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó tập trung khởi công và phấn đấu hoàn thành sớm nhất 2 dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương tạo ra trục giao thông quan trọng kết nối nhanh Đà Lạt với TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ (khu vực kinh tế năng động của cả nước); đẩy nhanh việc đề xuất các dự án cao tốc, nâng cấp đường quốc lộ nối Lâm Đồng với các tỉnh lân cận, xây dựng cảng cạn tại huyện Đức Trọng và nâng cấp cảng hàng không quốc tế Liên Khương; xây dựng và kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp, khu logistic phụ trợ để khai thác tối đa lợi thế của 2 cao tốc kể trên.
Cùng với những đột phá về xây dựng hạ tầng, Lâm Đồng sẽ song song tháo gỡ các khó khăn về quy hoạch, cập nhật các quy định mới của pháp luật…để làm sao biến đây trở thành cơ hội lớn mời gọi các nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước.
Đương nhiên chúng tôi cũng rất quan tâm đến phúc lợi xã hội, vì hơn hết an sinh xã hội là một giá trị cốt lõi để ổn định phát triển. Lâm Đồng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để nhân dân Lâm Đồng từng bước được hưởng các tiện ích xã hội cao cấp như bệnh viện chất lượng cao, trường học song ngữ liên cấp, các dịch vụ hội nghị, nghỉ dưỡng, khách sạn cấp cao đạt chuẩn quốc tế…Với phương châm nhà nước chỉ quản lý đầu ra bằng các chỉ tiêu, trao và tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp phát huy cao độ lợi thế của tỉnh vì mục tiêu chung Lâm Đồng vượt qua khó khăn đi lên cùng đất nước.
- Mới đây, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8 QH khoá XV, Tổng bí thư Tô Lâm có nhắc đến việc phải gỡ điểm nghẽn thể chế. Từ góc độ thực tế của Lâm Đồng, ông có kiến nghị nào với Trung ương về cải cách thể chế để từ đó Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa trong quá trình đầu tư phát triển không?
-Tôi rất tâm đắc với tâm huyết của Tổng bí thư Tô Lâm, đặc biệt là khi về công tác tại địa phương, cá nhân tôi cho rằng cải cách thể chế, chính sách chính là điều kiện tiên quyết để đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới -kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, là kỷ nguyên hiện đại khi chúng ta hướng đến 100 năm thành lập Đảng năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.
Đó là phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Cải cách thể chế, chính sách là mục tiêu, là điều kiện để Lâm Đồng phát triển, trong đó cần tập trung vào việc xây dựng thống nhất các quy hoạch; thu hút đầu tư và nâng cao điều kiện an sinh xã hội.
-Cuối cùng, xin ông cho biết ông hy vọng Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng đón đợi mình thế nào khi được Trung ương điều động về làm lãnh đạo tỉnh?
-Xin cảm ơn về câu hỏi này, sau hơn 2 tháng sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng, cùng làm việc, sinh hoạt với Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, cá nhân tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được lao động, cống hiến cho tỉnh Lâm Đồng, mảnh đất quê hương của 47 dân tộc, đất lành cho người dân từ mọi miền tổ quốc về chung tay xây dựng.
Mặc dù công việc còn bộn bề, nhưng vì một mục tiêu chung là làm cho Lâm Đồng giàu hơn, người dân Lâm Đồng hạnh phúc hơn, với tôi mỗi ngày đi làm là một ngày vui, có nhiều ý nghĩa.
Ở Lâm Đồng, tôi thấy được tình yêu thương, chia sẻ đùm bọc của mọi người, từ sự đồng lòng, nhất trí vì mục tiêu chung của các đồng chí trong UBND tỉnh, từ các sở, ngành, địa phương; cả hệ thống chính quyền dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy kết thành một khối thống nhất, phát huy cao độ tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách. Đó là phấn đấu 500 ngày đêm xây dựng đường cao tốc, quyết tâm tạo nên một lễ hội hoa như một món quà dành tặng cho người dân Lâm Đồng, người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Thực sự, được làm việc, được trăn trở, suy tư cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp tôi có thêm năng lượng để cống hiến hơn nữa cho mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước, tự chủ về ngân sách, mãi mãi là điểm đến - nơi mà mọi người chỉ nói với nhau những lời yêu thương, ấm áp và thân ái.
-Trân trọng cảm ơn ông!