Ông Minh đã có hành vi đe dọa, uy hiếp DN và chiếm đoạt tài sản thành công
Tranh cãi về tính pháp lý
Ngày mai 17/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang chính thức xét xử vụ án Võ Văn Minh cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát. Phiên tòa đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi những tranh cãi về các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc.
Trước phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi tố, bắt giữ ông Minh là không hợp lý vì đây hoàn toàn là thỏa thuận dân sự, không có dấu hiệu hình sự. Trao đổi với PV về điểm mấu chốt này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, vụ việc ông Minh tống tiền Tân Hiệp Phát thông qua chai nước có ruồi là một vụ việc gây nhiều tranh cãi trên cả khía cạnh pháp lý, áp dụng pháp luật và cả câu chuyện đạo đức trong kinh doanh.
Bị cáo Trần Văn Minh tại phòng xử án ngày 17/12/2015. Ảnh Vietnamnet
Dưới góc độ pháp lý thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý, không phân biệt người vi phạm là người giàu hay người nghèo; Ai vi phạm thì người đó sẽ bị xử lý; Hành vi vi phạm tới đâu thì xử lý đến đó.
"Nếu Tân Hiệp Phát có sản phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì thiệt hại trước tiên sẽ là mất uy tín, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty, sau đó mới là câu chuyện trách nhiệm pháp lý. Đối với vụ án cưỡng đoạt tài sản mà ông Minh là bị cáo, còn công ty Tân Hiệp Phát là bên bị hại lại là một câu chuyện độc lập" - Luật sư Cường phân tích.
Theo ông Cường, việc chai nước có “ruồi” chỉ là cái cớ. Nếu ông Minh báo sự việc có con ruồi trong chai nước cho Hội bảo vệ người tiêu dùng, cho các cơ quan truyền thông, hay cho doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân, vì mục đích tốt cho sức khỏe của cá nhân, sức khỏe của cộng đồng thì còn đáng phải khen thưởng nếu con ruồi đó xuất phát từ lỗi trong quy trình sản xuất. Khi DN có sản phẩm lỗi, gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản của NTD thì họ có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại.
Luật pháp hiện hành cũng nghiêm cấm việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản một cách trái pháp luật. Hành vi gian dối, lén lút, đe dọa hoặc uy hiếp tinh thần người khác nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này, sang chủ thể khác là những hành vi trái pháp luật.
Nhưng ở đây, ông Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản và thực tế đã chiếm đoạt thành công 500 triệu đồng. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.
Bên nào cũng thiệt hại nặng nề
Dù kết quả phiên tòa ngày hôm nay có như thế nào chăng nữa thì vụ việc này cũng để lại nhiều bài học xương máu không chỉ với ông Minh và Tân Hiệp Phát mà còn dành cho nhiều người, nhiều DN về sau.
Theo ông Tuấn Hà, Giám đốc điều hành của Vinalink Media, dưới góc độ truyền thông, vụ việc này là điều “đáng tiếc” cho cả hai bên.
“Có thể khẳng định vụ việc này đã khiến Tân Hiệp Phát bị thiệt hại lên tới cả trăm triệu USD về thương hiệu và doanh thu. Với cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Facebook lớn tới 26 triệu người như hiện nay cùng khả năng tương tác tốc độ lan truyền lớn, vụ việc đã gây thiệt hại khôn lường cho Tân Hiệp Phát. Có thể với nhiều người, cách làm của Tân Hiệp Phát khiến họ không thoải mái nhưng xét về góc độ pháp lý, tính minh bạch của thị trường về sau, họ làm như thế là đúng” – ông Tuấn Hà nhận định.
Dù vụ việc đang dần đi đến hồi kết, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cũng đã khẳng định chai sản phẩm có ruồi đã bị tác động và có dấu vết mở nắp, nhưng trước tình trạng một số trang mạng xã hội dưới sự “dẫn dắt” của các phần tử xấu luôn tìm mọi cách “biến” sự việc này thành một làn sóng tẩy chay Tân Hiệp Phát và lan rộng trên cộng đồng internet khiến DN này phải nỗ lực tìm mọi cách để “cứu” lấy chính mình trước các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thương hiệu Việt của Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Về phía ông Minh, dù Tân Hiệp Phát đã thể hiện thiện chí và không yêu cầu bồi thường các thiệt hại sau vụ việc do ông gây ra. Phiên tòa cũng chưa đi đến hồi kết, tuy nhiên, chốn lao tù là điều gần như khó tránh khỏi với ông Minh bởi hành vi sai trái của mình và làm ảnh hưởng lớn đến gia đình và cuộc sống sau này của ông.
Trong vụ việc này không thể không nhắc người tiêu dùng cũng đang là đối tượng bị hại. Lý do bởi việc gây nhiễu thông tin và cố gắng “dẫn dắt” dư luận theo ý đồ của nhóm đối tượng nêu trên đã tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới tâm lý người tiêu dùng, gieo rắc nỗi hoang mang trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm của Tân Hiệp Phát vốn đã được thị trường và cả người tiêu dùng thừa nhận bấy lâu nay.
NTD cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm
Từ việc ông Minh tống tiền Tân Hiệp Phát cũng lại một lần nữa đặt ra vấn đề “quyền lực” của người tiêu dùng cần được đặt trong khuôn khổ pháp lý.
Theo Luật sư Cường, trong quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại, pháp luật khuyến khích việc thỏa thuận, thương lượng giữa các bên để giải quyết tranh chấp. Việc thương lượng, thỏa thuận phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tránh việc sử dụng những hành vi có tính chất uy hiếp, đe dọa người khác để đạt được mục đích của việc thương lượng. Hành vi đe dọa, uy hiếp người khác để người khác phải bàn giao tài sản của họ cho mình là hành vi vi phạm pháp luật.
Và nếu không thương lượng được thì một trong các bên có thể khởi kiện tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chứ không được phép "tự xử" qua các hành vi đe dọa, uy hiếp làm ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ thể khác, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Ngày nay, quyền lợi của người tiêu dùng đã được nâng cao nhưng họ và cộng đồng mạng cũng dễ bị dẫn dắt vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh mà internet đang là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng dùng “chiêu trò” để hạ bệ nhau, gây hoang mang thị trường nước giải khát, thậm chí nhiều doanh nghiệp khác còn bị… vạ lây do sự thiếu tin tưởng vào các sản phẩm đồ uống.
Hoài Thu