Ông Lê Xuân Tuấn: Luật Điện lực cần cân bằng lợi ích của tất cả các bên
-Thưa ông hiện nay Luật Điện lực sửa đổi đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội, và một trong những đòi hỏi cấp bách của điện năng trong tương lại là câu chuyện thiết lập thị trường điện, theo ông vấn đề này cần được luật hóa trong lần sửa đổi này như thế nào?
-Nền văn minh nhân loại phụ thuộc vào năng lượng và công nghệ. Ở một nghĩa hẹp công nghệ lại phụ thuộc trực tiếp vào năng lượng, cần giải tỏa nguồn lực cho năng lượng, cần cơ chế thị trường cho điện. Muốn tăng trưởng kinh tế việc đầu tiên là phải tăng trưởng năng lượng, Việt Nam chưa có các nguồn năng lượng mạnh như điện nguyên tử, Hydrogen… thì luật cần làm sao để giải tỏa, giải phóng nguồn lực của điện tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió, tích năng…) và trên tất cả luật phải tạo ra được cơ chế thị trường cho đầu tư sản xuất điện, phát dẫn và tiêu thụ. Tóm lại không nên để độc quyền mua bán điện.
Nhà máy thuỷ điện Za Hưng, huyện Đông Giang, Quảng Nam, công suất 30 MW |
-Quy hoạch điện chính xác luôn là công việc cần thiết để từ đó có căn cứ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện, tuy nhiên vừa qua quy hoạch điện có một số nội dung không theo sát thực tiễn dẫn đến sự lúng túng cho tất cả các bên. Thưa ông, Luật Điện lực sửa đổi lần này nên tiếp cận nội dung này thế nào để qua đó công tác quy hoạch thể hiện được tầm nhìn cũng như bám sát các đòi hỏi thực tế.
-Cần tiếp cận nội dung này thật khoa học sao cho giải tỏa được tốt nhất các nguồn lực phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước theo từng giai đoạn phát triển kinh tế và mong muốn phát triển kinh tế vùng, miền. Từ đó có thể tính ra nhu cầu năng lượng để đưa vào quy hoạch và điều chỉnh bằng chính sách mà Chính phủ mong muốn, tất nhiên là phải trên bình diện quốc gia. Theo tôi, cần tính toán hiệu quả kinh tế do quy hoạch mang lại để điều chỉnh cho phù hợp. Đây cũng chính là bài toán về khai thác tài nguyên do chúng ta đang sử dụng từ nguồn năng lượng tái tạo và nhiệt điện, điện khí.
Ông Lê Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô |
-Năng lượng tái tạo hiện đang là xu hướng cho tương lai vì sẽ đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu, tuy nhiên giá bán điện năng lượng tái tạo còn có nhiều quan điểm khác biệt nhau. Theo ông vấn đề này cần được quy hoạch trong luật với tầm nhìn dài hạn thế nào để đảm bảo quyền lợi cho chủ đầu tư?
-Năng lượng và môi trường luôn là vấn đề đau đầu của các quốc gia. Chúng ta cần phải thống nhất vấn đề cuối cùng là giá thành 1kWh sẽ tác động trực tiếp vào giá thành sản phẩm. Nếu giá điện cao dẫn tới giá thành sản phẩm cao thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ suy giảm.
Với doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện có lãi thì họ mới làm, lãi càng cao thì họ đầu tư càng nhiều, lãi ít thì họ đầu tư ít, đây là chuyện hiển nhiên. Vì vậy luật phải rõ ràng để doanh nghiệp có thể thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế sau khi thu hồi vốn. Luật cần thị trường hoá nhiều khâu hơn nữa, ví dụ khâu truyền tải mua bán điện, và cuối cùng là luật cần cân bằng được lợi ích của nhà nước, người mua điện và người sản xuất, truyền tải và bán điện.
-Trân trọng cảm ơn ông!