Ông Hồ Đức Phớc: Chưa khi nào chính sách tài khoá hỗ trợ mạnh như lúc này
-Có ý kiến cho rằng chính sách tài khoá hiện chưa đủ mạnh nhằm kích thích kinh tế phát triển, ông bình luận gì về nhận xét này?
-Đánh giá như vậy là không đúng, bởi thực tế chưa khi nào chính sách tài khoá lại hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ như lúc này. Điều này được ghi nhận bằng những con số rất cụ thể, và được chứng minh bằng những hiệu quả thiết thực do chính sách tài khoá đưa lại.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh |
-Con số cụ thể như ông nói là gì?
-Tính bình quân thì trong 4 năm gần đây, mỗi năm số tiền thuế giảm khoảng 200 ngàn tỷ đồng, vậy cho đến giờ số tiền ước đạt 800 ngàn tỷ đồng. Tôi muốn nhấn mạnh thêm ở điểm này là dù giảm thuế nhưng thu ngân sách vẫn vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến năm 2022. Có thu được như vậy thì chúng ta mới có kinh phí để đầu tư sân bay, đường cao tốc, rồi đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số…
-Ông có nói nguồn thu vừa bị thu hẹp do chủ động giảm thuế, vừa co lại vì dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực, vậy mà thu ngân sách vẫn vượt yêu cầu, có mâu thuẫn gì ở đây không, thưa ông?
-Có gì mâu thuẫn đâu, vì thực tế là như vậy. Nếu lùi về sâu hơn thì những năm trước đó kinh tế toàn tăng trưởng 8% hoặc 9%, nhưng 3 năm này GDP chỉ tăng hơn 5%, thế mà thu thuế vẫn đạt kết quả rất tích cực. Tất nhiên đây là những việc không dễ dàng chút nào.
-Nguyên nhân ở đâu, thưa ông?
-Nguồn thu không tự nhiên mà có, nhất là trong hoàn cảnh không thuận lợi. Chính vì thế mà chúng tôi phải rất chủ động, sáng tạo để bắt kịp với tình hình mới. Ví dụ như đẩy mạnh thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại điện tử trong nước, chống chuyển giá, ứng dụng hoá đơn điện tử và dùng AI kiểm soát hoá đơn điện tử, triển khai quay hoá đơn may mắn…Kết quả thu được là năm 2022 thuế từ thương mại điện tử đạt 83 ngàn tỷ đồng, còn năm 2023 vừa qua thì đạt 97 ngàn tỷ đồng. Đó chỉ là một trong những việc Bộ Tài chính quyết liệt triển khai, và tôi dẫn chứng như vậy để thấy trong bối cảnh khác biệt với thời gian trước đó, khi sự thuận lợi không còn nhưng công tác thu ngân sách vẫn được chúng tôi mở rộng và thực thi rất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
-Thuế thì đã ưu đãi, tuy nhiên thưa ông, nhiều doanh nghiệp cho rằng để môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng thì họ cần nhiều hơn nữa sự cải thiện thiết thực, xin nhấn mạnh là thiết thực, từ chính quyền. Ông nghĩ sao về mong muốn này?
-Điều này hoàn toàn chính xác. Giờ đây vấn đề không chỉ là giảm thuế, mà quan trọng là phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, gỡ những nút thắt về luật pháp…có như vậy thì mới thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Nếu không làm được những điều đó thì những tồn tại, những vướng mắc sẽ vẫn còn đó, tác động bất lợi lên môi trường kinh doanh nói chung.
-Từ góc độ quản lý nhà nước, ông có thể nêu ra một vài đầu việc cần ưu tiên xử lý?
-Tôi ví dụ như việc cần thiết lập cơ chế hải quan 1 cửa trong khối ASEAN. Việc này nếu làm được sớm thì rất tốt vì sẽ tăng cường thông quan nếu 1 cửa liên thông được triển khai. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa thể ban hành Nghị định dù chúng tôi đã trình dự thảo một thời gian rồi. Hoặc ví dụ như việc xử lý vướng mắc với dự án xây dựng trụ sở cơ quan hải quan tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Suốt thời gian qua Bộ Tài chính đã có nhiều công văn trình các cấp thẩm quyền nhưng vẫn chưa được xử lý. Đó là những việc cá nhân tôi thấy không nên để chậm trễ hơn nữa.
-Trân trọng cảm ơn ông!