Ông già dọn tuyết ở Lư Sơn
"Ông cụ khoảng ngoài 60 tuổi, khuôn mặt chất phác, hiền hậu. Gặp nơi đường trơn, ông cẩn thận dắt tay từng cháu học sinh vào tận cửa lớp", bà Thủy nói.
Cảm động trước việc làm của ông, họa sĩ Lê Nguyên Lợi, lúc ấy là giáo viên môn họa, đã vẽ một bức tranh đặt tên là "Ông già dọn tuyết". Trong tranh, tuyết phủ kín những mái nhà, lùm cây, riêng con đường đến trường của các em học sinh là sạch nhẵn bóng tuyết. Ông cụ mặc bộ trang phục sẫm màu, ánh mắt nhìn chăm chú vào cây chổi quét. Dáng điệu nhanh nhẹn, cần mẫn của ông nổi bật trên nền tuyết trắng và những bông tuyết bay phất phới đầy trời. Quanh ông, các em học sinh thong thả rảo bước đến trường.
Bức tranh "Ông già dọn tuyết" của họa sĩ Lê Nguyên Lợi (ảnh chụp lại). |
Không còn nhớ rõ tên ông nhưng sau này mỗi khi thấy tuyết ở bất kỳ xứ sở nào, bà Thủy thường nhớ đến bức tranh "Ông già dọn tuyết", nhớ Lư Sơn - nơi bà được biết đến cảnh tuyết rơi lần đầu tiên trong đời.
Ông già dọn tuyết cũng trở thành nguồn cảm hứng thi ca của nhiều cựu học sinh Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm, trong đó có bài thơ "Dốc tuyết" của ông Vũ Quang Trung. Bài thơ có đoạn: "Ông già quét tuyết ở Lư Sơn/Chân đi giầy vải, áo bông sờn/ Mũ trùm chẳng kín chòm râu bạc/ Tôi vẫn gặp người trên dốc trơn/ Chổi tre lão gạt mặt tuyết dầy/Dìu từng cháu nhỏ dắt từng tay/Tung tăng lũ trẻ qua dốc tuyết/Nào biết mồ hôi lão ướt đầy".
Bà Thủy thường nói với con cháu: những năm tháng học tập tại trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời bà.
Bà kể: năm 1953 ở tuổi 13, bà rời gia đình sang Trung Quốc du học. Đường đến Lư Sơn (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) gian nan, hiểm trở, ngày nghỉ đêm đi. Các em học sinh độ tuổi lớn nhỏ không đều, em lớn kèm em nhỏ, em nhỏ kèm em nhỏ hơn. Có những em thầy cô giáo phải cõng trên lưng hoặc cho ngồi thúng gánh đi từng chặng.
Đến Lư Sơn, lần đầu tiên những em nhỏ Việt Nam được nhìn tuyết rơi. Niềm háo hức với khung cảnh mới lạ chóng qua. Cái lạnh len thấm cùng nỗi nhớ nhà. Nhiều em nhỏ òa khóc, những em lớn hơn khoé mắt đỏ hoe. Các cô bảo mẫu người Trung Quốc vừa ôm vừa dỗ, cho các em ăn, dạy các em hát múa để nguôi ngoai bớt phần nào nỗi nhớ người thân. Với những em ở lớp vỡ lòng, các cô bảo mẫu lại chăm chút cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ đến việc vệ sinh cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (thứ năm từ trái sang, hàng thứ hai từ dưới lên) trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm. (Ảnh: Thu Hà) |
Theo lời kể của bà Thủy, các bạn Trung Quốc rất tận tâm, ân cần, chu đáo, cung cấp cho trường đầy đủ chăn, đệm, quần áo ấm, trong nhà còn có hệ thống lò sưởi và nước nóng. Thế nhưng các học sinh Việt Nam vẫn chưa thể quen với cái lạnh, băng tuyết, nhiều em phát cước sưng mọng cả bàn chân. Vì vậy, sau đó trường chuyển về Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Chính quyền địa phương đã cử đến những cán bộ tốt để giúp đỡ trường. Xa nhà, xa Tổ quốc nhưng các học sinh được các thầy cô, cán bộ giúp việc của Việt Nam, Trung Quốc thay cha mẹ chăm sóc.
"Người dân Trung Quốc thời đó khó khăn, thiếu thốn nhưng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho người Việt Nam. Sáng sáng lũ trẻ chúng tôi được ăn bánh bao, cháo quẩy, trưa tối có thịt cá. Chúng tôi được học đầy đủ văn, thể, mỹ, rèn luyện sức khỏe, đặc biệt là được rèn luyện tính tự lập, thói quen học tập và làm việc theo giờ giấc, kế hoạch. Chúng tôi nhớ những buổi cô Hứa, thầy Tống lên lớp dạy tiếng Trung, nhớ chú Khổng vui vẻ bên bếp lửa hồng nấu nướng cho từng bữa ăn, nhớ bác sĩ Đặng tận tình chăm sóc sức khỏe cho đàn em nhỏ Việt Nam... Thời gian học tập ở Lư Sơn - Quế Lâm tuy ngắn nhưng đã tạo một nền móng vững chắc cho tôi tự học, tự phấn đấu và hoàn thiện mình. Nhưng quý giá nhất là tình cảm gắn bó với những người bạn, người thầy ở trường", bà Thủy nói.
Những ký ức, kỷ niệm đẹp của các cựu học sinh Việt Nam từng học tập tại Trung Quốc sẽ được Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) lưu giữ, xây dựng thành sách, phim tư liệu. Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc với đoàn công tác Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) do ông Trần Lập Sinh, Chủ tịch Viện làm trưởng đoàn vào ngày 20/12 tại Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc có Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; bà Trần Thị Xuân Oanh, Tổng thư ký Hội, Trưởng ban Á - Phi (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam); đại diện Ban liên lạc trường trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm, trường Nguyễn Văn Trỗi, Khu Giáo dục học sinh miền Nam. Tại buổi tiếp, ông Trần Lập Sinh cho biết, Viện đang triển khai dự án nghiên cứu, thu thập tư liệu lịch sử của các cựu học sinh từng học tập tại các trường Việt Nam ở Quảng Tây. Vì vậy, đoàn công tác mong muốn Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Ban liên lạc trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm, trường Nguyễn Văn Trỗi, Khu Giáo dục học sinh miền Nam, Khu xá Nam Ninh hỗ trợ, cung cấp đầu mối để phỏng vấn 80 cựu học sinh. Qua đó Viện sẽ thu thập thông tin về cuộc sống của các cựu học sinh Việt Nam ở Trung Quốc trước đây. Những tư liệu này sẽ được xuất bản thành sách song ngữ Việt - Trung và dựng thành phim. Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, đại diện Ban liên lạc các trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm, trường Nguyễn Văn Trỗi, Khu Giáo dục học sinh miền Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây thực hiện dự án trên. Đại sứ Nguyễn Văn Thơ đề nghị Viện chia sẻ kế hoạch cụ thể về dự án này. Ông cho biết, dự án sẽ góp phần giới thiệu cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung, sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cũng như tình cảm của các cựu học sinh, giáo viên Việt Nam từng học tập, giảng dạy ở Trung Quốc đối với nhân dân nước bạn. |