Ông Đinh La Thăng khẳng định chỉ làm theo chức trách được giao
Ngày 23/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN và đồng phạm do có hành vi gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tiếp tục “nóng” với phần tranh luận.
Tại phần này, sau khi lắng nghe quan điểm luận tội từ phía VKS, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN đứng lên bục khai báo đưa ra lời tự bào chữa cho mình: Bị cáo Sơn đã gửi lời cảm ơn đến HĐXX, cơ quan tố tụng đã điều hành phiên tòa cởi mở, tạo điều kiện, các bị cáo thực hiện quyền của mình một cách thoải mái và cho phép bị cáo Sơn được trình bày với tư cách vừa là bị cáo, vừa trình bày với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới số tiền 20 tỷ đồng đưa cho Ninh văn Quỳnh.
Liên quan đến hành vi bị truy tố, bị cáo Sơn trình bày, do trong quá trình làm việc, bị cáo luôn tích cực thực hiện các công việc được giao, nhận thức của bị cáo về pháp luật thời điểm đó còn nhiều hạn chế, cũng như không cập nhật được hết các văn bản quy phạm pháp luật nên không nghĩ việc làm của mình là vi phạm. “Bị cáo mong HĐXX, VKS thông cảm, chia sẻ về nhận thực pháp luật, nhận thức về các văn bản quy phạm pháp luật mà vô tình vi phạm pháp luật”, Nguyễn Xuân Sơn nói.
Thứ hai liên quan đến việc bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN lạm dụng chức vụ chiếm đoat tài sản, bị cáo đồng tình với kiến nghị của VKS đề nghị xem xét, tiếp tục làm rõ khoản tiền bị cáo đã khai trước tòa về hành vi này. Bị cáo Sơn một lần nữa khẳng định những gì mình khai báo là sự thật, mong muốn HĐXX đồng ý với ý kiến của VKS xem xét hành vi của bị cáo cũng như lời khai của bị cáo trước tòa, để cho bị cáo thanh thản, liên quan tới khoản tiền này, bị cáo xin HĐXX xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong phần luận tội của mình đối với hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, VKS nhận định: Với chức trách của mình, bị cáo Sơn phải biết quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, nhưng thực hiện chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã ký các văn bản số 124 ngày 12/5/2011 và số 131 ngày 16/5/2011 đề nghị HĐTV tăng vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank để duy trì tỷ lệ 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa ngày 23/3
Hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; gây thiệt hại số tiền 100 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank. Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị cáo Nguyễn Xuân Sơn theo quy định tại khoản 3, Điều 165, BLHS năm 1999 là có căn cứ và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có nhiều thành tích trong công tác, quá trình điều tra đã tích cực phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội nên VKS cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt và đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù.
Về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án: Về số tiền 20 tỷ thu giữ của bị cáo Ninh Văn Quỳnh trong quá trình điều tra là số tiền gia đình bị cáo Ninh Văn Quỳnh nộp để khắc phục hậu quả, VKS đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2, Điều 47, BLHS năm 2015 tuyên trả số tiền này cho PVN. Đồng thời VKS đã kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ lời khai của Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa liên quan đến việc chi và sử dụng số tiền lãi ngoài hợp đồng.
Bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Phạm Công Hùng cảm ơn HĐXX và VKS đã xác đinh lại tư cách đối với thân chủ của ông, và cho luật sư trình bày về khoản tiền 20 tỷ đồng được Sơn đưa cho Quỳnh. “Bản luận tội của VKS đã có cái nhìn thấu đáo, đã xem xét chứng cứ khoa học tại phiên tòa để đưa ra luận tội phù hợp với qáu trình hỏi, phù hợp với chứng cứ thu thập trong vụ án này,” luật sư Phạm Công Hùng nói.
Trong phiên tòa ngày hôm nay, bị cáo Sơn đề nghị HĐXX giải quyết vấn đề bồi thường theo quy định của pháp luật. Do vậy, Luật sư Phạm Công Hùng tách làm hai phần nội dung khác nhau khi bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, gồm: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyễn Xuân Sơn với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong khoản tiền 20 tỷ đồng đưa cho Ninh Văn Quỳnh. Trong đó, luật sư tập trung vào những phần mà lời khai của Sơn và Quỳnh chưa thống nhất với nhau, và tội danh Cố ý làm trái của Nguyễn Xuân Sơn.
Thứ nhất, Ninh Văn Quỳnh khai nhận 20 tỷ đồng của OceanBank thông qua Nguyễn Xuân Sơn. Quỳnh đã giải trình cụ thể việc chi tiêu số tiền này như mua căn hộ, nghỉ mát, mua cổ phiếu,… Tuy nhiên Quỳnh chưa giải trình được cụ thể việc chi đối ngoại và chi cho nhân viên. “Tôi đồng tình với việc giải thích của bị cáo Sơn, vì nếu giải thích như bị cáo Quỳnh là chi cho anh em cấp dưới không phải là chi đối ngoại mà là chi đối nội. Đề nghị VKS tiếp tục làm rõ nội dung này. Nếu chưa làm rõ nội dung này thì tiếp tục làm rõ ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo,” luật sư Phạm Công Hùng kiến nghị.
Luật sư đề nghị làm rõ vai trò của Quỳnh trong việc gửi tiền của PVN vào Oceanbank, đồng thời làm rõ bị cáo Quỳnh nhận những khoản tiền nào. Ngoài luật sư Hùng, nhóm các luật sư bào chữa cho Sơn đề nghị làm rõ lời khai của Quỳnh, liệu có đúng Ninh Văn Quỳnh chỉ nhận 20 tỷ đồng từ lời khai đầy mâu thuẫn của Quỳnh hay không. Trong khi đó Nguyễn Xuân Sơn khai đã chi 180 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài của OceanBank cho PVN thông qua Ninh Văn Quỳnh.
“Chúng tôi mong ông Quỳnh tiếp tục hợp tác với cơ quan điều tra trong giai đoạn tiếp theo, để làm rõ sự thật, để dù cho kết quả thế nào chăng nữa thì lương tâm ông được thanh thản,” luật sư của Nguyễn Thị Minh Châu nói.
Thứ hai, về tội Cố ý làm trái mà Nguyễn Xuân Sơn đang bị đề nghị 30-36 tháng tù, luật sư Hùng đề nghị VKS và HĐXX xem xét cho bị cáo một số tình tiết: “Trong suốt phiên tòa, bị cáo Sơn luôn khẳng định lần tăng vốn thứ ba của PVN vào OceanBank, Sơn và các cán bộ PVN không cập nhật đủ các quy định của Luật các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thực trạng hiện nay, ban hành nhiều văn bản, có những văn bản vừa ban hành trong một thời gian ngắn đã bị thay thế, thậm chí là 1 một số bộ luật”, luật sư Hùng nói.
Đối với hành vi của Vũ Khánh Trường (SN 1954, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) và Nguyễn Thanh Liêm (SN 1955, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) đều là nguyên thành viên HĐTV PVN, VKS đưa ra quan điểm luận tội như sau:
Trong thời gian từ tháng 04/2009 đến tháng 9/2015, bị cáo Vũ Khánh Trường được HĐQT phân công theo dõi, giám sát lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí của PVN và đảm nhận nhiệm vụ chung của HĐQT theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn.
Bị cáo trực tiếp tham gia 02 lần PVN góp vốn vào Oceanbank, bị cáo biểu quyết và ký ban hành nghị quyết số 4658/NQ-DKVN ngày 31/5/2010 để PVN bổ sung vốn 300 tỷ đồng vào Oceanbank theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng, trong khi biết rõ chưa có sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 12/5/2011, bị cáo biểu quyết đồng ý góp 100 tỷ đồng để PVN duy trì 20% vốn điều lệ tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo đã vi phạm khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.
Như vậy có đủ căn cứ kết luận hành vi của bị cáo đã đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng trong việc thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; gây thiệt hại số tiền 400 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank.
Tuy nhiên bị cáo phạm tội lần đầu, là người có nhiều đóng góp trong công tác, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội. Do vậy, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Vũ Khánh Trường từ 07 năm tù đến 08 năm tù.
Đối với các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức, nguyên Thành viên HĐTV, VKS xét thấy, căn cứ kết quả điều tra và kết quả xét hỏi tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định: Khi các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm nhận được báo cáo số 124 ngày 12/5/2011 đã biểu quyết chấp thuận về việc bổ sung vốn góp 100 tỷ đồng để PVN duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng và Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành nghị quyết 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011 để góp vốn vào Oceanbank, với chức trách của mình các bị cáo buộc phải biết khoản 2, Điều 55, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.
Riêng bị cáo Phan Đình Đức trong quá trình điều tra và tại phiên tòa khai: ngày 17/5/2011 bị cáo mới ký vào văn bản 124 ngày 12/5/2011 sau khi HĐTV PVN ban hành Nghị quyết 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011 về việc chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đại Dương năm 2010; khi ký bị cáo không thể hiện đồng ý hay không đồng ý.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Nguyễn Thị Thủy Tiên, Trương Quân, Lê Hải Ninh, Bùi Hà Châu và các thành viên HĐTV, gồm: bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Xuân Thắng, thì Phan Đình Đức đã đồng ý về việc góp vốn, bị cáo nhận được và chuyển lại văn bản số 124/CVNB-NXS ngày 12/5/2011 trước khi Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành nghị quyết 4266/NQ-DKVN ngày 16/5/2011 theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng. Lời khai của các đối tượng trên phù hợp với kết quả xác minh phần mềm quản lý tại PVN; đồng thời bị cáo thừa nhận biết chủ trương góp vốn vào Oceanbank và bị cáo đã hỏi Ninh Văn Quỳnh, được Quỳnh cho biết đủ khả năng để góp vốn.
Như vậy, VKS nhận định hành vi của các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức đã đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; gây thiệt hại số tiền 100 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức theo quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 là có căn cứ và đúng pháp luật.
Về phía các bị cáo, sau khi lắng nghe quan điểm luận tội của VKS, cũng như nghe quan điểm bào chữa của các luật sư khi cho rằng việc PVN góp vốn vào Oceanbank là hoàn toàn đúng đắn, không có sai phạm, những lần góp vốn đều được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nên không đủ căn cứ quy kết các bị cáo cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong các lần góp vốn cũng như cho rằng hành vi của các bị cáo không thỏa mãn yếu tố “cố ý” trong cấu thành tội phạm Điều 165 BLHS 1999.
Đồng tình với quan điểm bào chữa của luật sư, lần lượt hai bị cáo Vũ Khánh Trường và Nguyễn Thanh Liêm đều trình bày là chỉ làm theo chức trách được giao, mong HĐXX xem xét cách toàn diện vụ án để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.
Nguyễn Hòa