Ông bố trẻ xuống đường tìm việc: Mình đâu có làm gì xấu xa!
Ông bố trẻ cầm biển xin việc ở Hà Nội - Ảnh: Facebook
"Bản thân tôi tốt nghiệp cao đẳng đã được gần ba năm, còn đại học thì vừa tốt nghiệp trường Đại học Điện lực", ông bố tìm việc để có sữa nuôi con Phùng Đức Ninh, nói với TTO.
* Tại sao Ninh lại quyết định cầm tấm bảng xin việc đứng ở vỉa hè?
- Điều này một phần vì tôi thấy gian nan và bế tắc trong hành trình xin việc làm vào khoảng thời gian trước. Phần nữa tôi chỉ nghĩ đơn giản là chỉ muốn đưa thông điệp một cách ngắn nhất tới nhà tuyển dụng. Bản thân tôi không hề có ý định trông chờ vào sự thương hại hay cưu mang nào cả từ xã hội.
* Bạn lập gia đình lâu chưa?
- Được hơn một năm rồi, hiện vợ tôi vừa sinh bé gái được hơn nửa tháng tuổi. Một số người do thiếu thông tin nên nói gia đình tôi khó khăn. Nhưng tôi xin đính chính lại là gia đình tôi không hề khó khăn, cũng bình thường như bao gia đình khác ở quê. Bố tôi làm ở trạm y tế, mẹ làm nông nghiệp, cả nhà có ba anh chị em và điều kiện kinh tế bình thường. Hiện vợ và con tôi đang ở quê cùng nhà nội. Tôi muốn xin việc là để bố mẹ đỡ vất vả, tôi không muốn bố mẹ phải chạy việc cho mình. Và bản thân tôi cũng không muốn lệ thuộc vào ai mà muốn tự lập, kiếm công việc và thu nhập để nuôi vợ con mình.
* Trước những lời bàn tán của cư dân mạng mấy ngày qua Ninh nghĩ gì?
- Đúng là thời gian đầu tôi hơi hoang mang và buồn nữa. Nhưng dần dần mình tự nhận ra, việc mình làm mình sẵn sàng chịu, không phải thoái thác làm gì. Bản thân mình cũng đâu có làm việc gì xấu xa. Mình chưa có việc làm, muốn tìm một công việc một cách nhanh nhất để có tiền trang trải cho gia đình. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Đã có nhà tuyển dụng lên tiếng giúp đỡ Anh Q.A.- Trưởng phòng kinh doanh một công ty về năng lượng điện mặt trời đã đồng ý gặp gỡ trao đổi và xem xét tuyển dụng Phùng Đức Ninh. Trao đổi với TTO, anh Q.A đề nghị viết tắt tên và cho biết: - Trước hết khi đọc được thông tin trên mạng về hoàn cảnh của Ninh, trong mình có một sự đồng cảm rất lớn. Phải nói mình nhìn thấy hình ảnh của chính bản thân mình trước đây trong cậu ấy. Bản thân mình cũng từng học trung cấp ngành xây dựng sau đó liên thông lên hệ đại học.Quãng đời sinh viên là chuỗi ngày phải bươn chải, lao lực với đủ nghề từ rửa bát, rửa xe, bưng bê cho quán xá, chở hàng thuê… nên mình rất thấu hiểu tình cảnh khốn khó của một người nó tệ đến thế nào. Điều quan trọng hơn, với riêng Ninh, cậu ấy như đang bị dồn về phía chân tường khi cần có công việc và thu nhập ngay để nuôi con nhỏ. Còn việc xem xét tuyển dụng, rất đơn giản - bởi Ninh tốt nghiệp đại học Điện lực, trong khi công ty mình đang cần tuyển nhân sự về lĩnh vực này nên cậu ấy sẽ là một ứng viên đủ tiêu chuẩn. Chỉ khác ở chỗ Ninh là một ứng viên đặc biệt hơn các ứng viên khác. Hiện tôi đã điện thoại trao đổi với Ninh và cậu ây đồng ý bố trí một buổi hẹn để bàn bạc về công việc. * Anh đánh giá như thế nào về hành động của Ninh khi cầm tấm biển xin việc đứng ở vỉa hè? - Tôi cũng đã lắng nghe những ý kiến nhiều chiều từ cộng đồng mạng dành cho cậu ấy, có một số người bày tỏ không đồng tình và “ném đá” Ninh. Nhưng tôi nghĩ mọi người cần có cái nhìn bao dung hơn, thấu đáo hơn trong câu chuyện này để chia sẻ với cậu ấy. Không phải ai là sinh viên ra trường là có ngay việc làm, có người thất nghiệp, có người làm trái nghề, có người thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống. Với Ninh cậu ấy dám đứng ở vỉa hè để xin việc điều đó chứng tỏ một sự nhẫn nhịn và quyết tâm rất cao, dám nghĩ, dám làm, vượt qua được cái tôi của bản thân. Và hơn hết, người ta thấy được đằng sau đó là tình yêu thương và sự lo toan lớn lao của cậu dành cho gia đình, cho vợ con mình. * Anh nghĩ gì về thực trạng việc làm hiện nay qua câu chuyện của Ninh? - Tôi không dám đánh giá về chương trình đào tạo hiện nay vì đó là chủ trương lớn của ngành giáo dục. Nhưng rõ ràng có một thực tế đang diễn ra và đã kéo dài. Đó là nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc không tìm được công việc phù hợp với ngành học. Từ lâu nhiều trường mở ra ồ ạt nhưng đào tạo sinh viên rồi phó mặc cho họ khi ra trường đối mặt với bài toán việc làm. Chuyên ngành đào tạo đôi khi không gắn hoặc không bắt nhịp được với nhu cầu về nhân lực trong thực tế. Có ngành thừa, ngành thì thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, việc cơ sở đào tạo liên kết với nhà tuyển dụng chưa nhiều, đây là mô hình tôi nghĩ nên nhân rộng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. * Thế còn kỹ năng xin việc của các bạn trẻ bây giờ thế nào? - Chưa nói gì đâu xa, bản thân tại công ty chúng tôi, nhiều lần tôi đã rất buồn và thất vọng khi mở các email hoặc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển dụng của các bạn trẻ. Càng thất vọng hơn ở một số lần gặp phỏng vấn trực tiếp. Sinh viên hiện nay thiếu kỹ năng mềm rất nhiều, những kiến thức về giao tiếp, tiếp xúc khách hàng, làm việc nhóm, tư duy độc lập, kỹ năng xử lý tình huống... thiếu ở rất nhiều bạn trẻ. Điều tôi muốn nói là các bạn đang lãng phí quá nhiều thời gian “chết”. Thú thật giờ hỏi các bạn ca sĩ, diễn viên, bài hát hay phim nào đang hot, các bạn kể vanh vách ngay, nhưng khi đề cập tới các kiến thức kinh tế, xã hội, hay kỹ năng mềm thì nhiều bạn mù tịt. Đó là một lỗ hổng mà chương trình đào tạo, đặc biệt chính các bạn trẻ cần phải lấp đầy cho bản thân mình nếu muốn chững chạc bước vào đời. |
Theo Tuổi Trẻ