Nước xa khó cứu lửa gần
Giá năng lượng, lương thực tại châu Âu tăng mạnh Kể từ đầu năm 2022, giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt, giá điện và giá dầu, cùng giá lương thực đã tăng mạnh tại châu Âu. |
Tác động mới của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với kinh tế châu Âu Khủng hoảng năng lượng khiến nhiều ngành công nghiệp châu Âu đóng cửa, làm dấy lên nguy cơ về cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng trên toàn châu Âu. |
Nỗi “ớn lạnh” của người dân
Ở Đức, các hộ gia đình phải trả trước hàng tháng cho hóa đơn điện và khí đốt. Cuối năm, họ sẽ nhận được bảng sao kê cả năm để đối chiếu số tiền đã trả trước với số tiền phải trả cho lượng sử dụng thực tế. Chia sẻ với Đài RBB, một gia đình ở Brandenburg gần thủ đô Berlin cho biết họ đã bị sốc khi nhận được thư từ nhà cung cấp khí đốt địa phương thông báo về việc chuẩn bị tăng giá khí đốt và yêu cầu họ phải trả một số tiền “trên trời”: 1.515 euro thay vì 143 euro như mỗi tháng trước đây.
Tại Đức, các trung tâm hỗ trợ khách hàng thường khuyên khách hàng như gia đình Brandenburg tìm tới nhà cung cấp rẻ hơn.
Tuy nhiên, giờ đây, người dân không thể tìm thấy nhà cung cấp khí đốt giá rẻ nào ở bất cứ đâu và cũng khó có thể tìm thấy sự ưu đãi đối với khách hàng mới. Ví dụ, tại Berlin, GASAG là một trong những nhà cung cấp chủ chốt với khoảng 800.000 khách hàng. Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2/2022, đài Truyền hình Deutsche Welle của Đức ngày 24/9 cho biết, GASAG bắt đầu tăng mức tiền trả trước hàng tháng của các hộ gia đình cho việc sử dụng khí đốt thêm khoảng 50% và dự kiến đến tháng 11/2022 sẽ tăng gấp đôi.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở vùng Leningrad, Nga. (Ảnh: TASS) |
Với việc một nửa số hộ gia đình ở Đức sử dụng khí đốt để sưởi ấm thì sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả điều tra mới đây cho thấy có 40% số người được hỏi nói rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán hoá đơn khí đốt trong mùa Đông tới. Nhiều gia đình ở Đức đã sớm nhận ra nguy cơ từ các cảnh báo thiếu hụt khí đốt mà chính phủ nước này đưa ra khoảng 1 tháng sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, tích cực chuẩn bị phương án dự phòng, tìm đến lò sưởi bằng củi theo kiểu truyền thống, làm giá gỗ và viên nén mùn cưa leo thang. Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 22/9, giá gỗ và viên nén mùn cưa trong tháng 8 đã tăng 85,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa khi nào người Đức phải lo chuyện sưởi ấm cho mùa Đông sớm như vậy! Cũng chưa khi nào, người dân Đức cảm thấy “ớn lạnh” khi nhìn hoá đơn khí đốt như vậy! Lời kêu gọi tiết kiệm khí đốt vì thế liên tục được giới chức Đức nhấn mạnh, nhưng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Mùa đông năm 2021 khá ôn hòa đã giúp châu Âu nói chung và Đức nói riêng giữ được dự trữ nhiên liệu ở mức cao hơn dự báo. Tuy nhiên, nếu năm nay, mùa Đông khắc nghiệt bất ngờ ập tới, nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm sẽ tăng vọt và mùa Đông không khí đốt của Nga sẽ không dễ chịu với người dân Đức một chút nào.
“Viễn giao” cho mục tiêu chiến lược
Thủ tướng Đức thăm 3 nước Trung Đông, gần như không hẹn mà gặp, báo chí đều nhận định là nhằm tăng cường an ninh năng lượng. Việc này cũng dễ hiểu vì chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Nga đã đóng van đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) cung cấp khí đốt cho Đức; giá năng lượng ở châu Âu đã tăng vọt và dự báo chưa dừng lại. Thực tế cho thấy, trong chặng dừng chân tại thủ đô Abu Dhabi của Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào sáng Chủ nhật (25/9), ông Scholz đã ký hợp đồng vận chuyển 137.000 m3 khí hoá lỏng (LNG), dự kiến sẽ đến miền Bắc nước Đức vào cuối năm nay.
Sự xuất hiện của lô hàng đến từ UAE nếu diễn ra như dự kiến sẽ đúng lúc để giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua tình trạng khan hiếm khí đốt trong mùa Đông này. Nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan là lô hàng đó chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ trong tổng lượng khí đốt mà Đức nhận được từ Nga (năm 2020 là 56,3 tỷ m3). Bên cạnh đó, trước chuyến thăm Qatar của ông Scholz, theo tạp chí Focus Online, chưa có công ty năng lượng lớn nào của Đức, bao gồm EnBW, RWE, Vattenfall, E.On và Lex Uniper, ký được hợp đồng với các nhà cung cấp từ Qatar. Các thoả thuận song phương ở cấp chính phủ về thương mại hydro và LNG cũng chỉ mang tính tượng trưng, chưa có ngày giao hàng lẫn khối lượng cung cấp cụ thể.
Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến dầu thô Abqaiq thuộc Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhưng cho dù có ký được thoả thuận cung cấp khí đốt có lợi cho mình với Qatar, Đức cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí đốt ngay trước mắt. Bởi vì Qatar dù đã công bố dự án North Field East (dự án LNG lớn nhất thế giới) từ năm 2021, nhưng phải tới quý IV/2025 mới đi vào sản xuất. Trong khi đó, một dự án khác của Qatar là North Field South (chia sẻ với Iran) thậm chí còn muộn hơn, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2027.
Trước khi đến vùng Vịnh, vào tháng 8 vừa qua, ông Scholz đã tới Canada. Đức hy vọng LNG của Canada sẽ giúp Berlin dần giảm phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, nhưng Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại hoài nghi về tính khả thi của dự án xây dựng cảng xuất khẩu LNG do Đức đề xuất. Phía Canada công khai đặt câu hỏi rằng cảng này có sinh lời và hoàn thành đủ nhanh để tạo ra khác biệt, giải quyết phần nào khó khăn về nguồn cung khí đốt dài hạn cho châu Âu hay không.
Đức quyết tâm thoát khỏi sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga vào năm 2024. Quyết tâm ấy đã được hiện thực hoá bằng nỗ lực xoay sở tìm kiếm nguồn cung thay thế và cả các thay đổi ở trong nước như tận dụng năng lực sản xuất của các nhà máy điện than và có thể vào đầu năm 2023, sẽ dùng đến các nhà máy điện hạt nhân ở phía Nam đất nước. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng cung cấp những gói hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng xem ra thoát khỏi sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga là mục tiêu chiến lược còn băng giá của mùa Đông chuẩn bị bắt đầu mới trở thành thử thách cam go trước mắt.
Giá điện ở châu Âu tăng gấp 4 lần Báo tài chính Financial Times đưa tin giá điện ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp bốn lần do chi phí khí đốt tăng cao, chạm ngưỡng giá điện cao nhất kỷ lục mọi thời đại. |
Người dân châu Âu đối mặt mùa Đông khó khăn do thiếu khí đốt Châu Âu đã phải thay đổi để thích ứng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. Giá năng lượng tăng cao đến mức nhiều người đã phải cắt dịch vụ cung cấp nước nóng từ đường ống của thành phố. |