Nông dân sáng tạo Phạm Hoàng Thắng tính chuyện lớn
Ông Phạm Hoàng Thắng đã thành công với 3 dòng sản phẩm máy nông nghiệp bất hủ được người nông Việt Nam biết đến và vô cùng ưa chuộng là: Máy gieo hạt theo hàng, Xe phun xịt dung dịch và Máy gặt đập lúa liên hợp.
Nếu không từ Cần Thơ ra Hà Nội tham dự Techmart 2015, ông Phạm Hoàng Thắng có thể đánh mất cơ hội vàng. Hợp đồng ghi nhớ trị giá 8,5 tỉ đồng giữa ông Phạm Hoàng Thắng, giám đốc công ty TNHH sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng và ông Trần Khắc Ngọc, giám đốc đầu tư thuộc công ty CP Vinh Phát, được ký ngày 4.10.2015.
Từ cơ hội này, ông Thắng – chủ sở hữu công nghệ sản xuất thiết bị gieo hạt, xe phun xịt dung dịch, máy gặt đập liên hợp – đã đồng ý chuyển giao công nghệ thời hạn mười năm cho công ty CP Holding Vinh Phát, Hà Nội.
Cơ hội mở
Cả hai tìm gặp nhau trong không gian hội ngộ: doanh nghiệp – công nghệ – nông dân do BSA thiết kế, nhằm thúc đẩy các hoạt động tương tác giữa nhà sáng chế và doanh nghiệp hướng tới lợi ích của nông dân.
“Họ có ba người: một người trực tiếp trao đổi, hai người khác thăm dò xung quanh trước khi ngồi lại thương lượng. Ký hợp đồng ghi nhớ, tôi thấy mình lâng lâng vui sướng. Công việc sắp tới của người chuyển giao công nghệ là thực hiện thoả thuận chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ thuật, hỗ trợ tổ chức sản xuất, bảo hành – bảo trì cho thiết bị gieo hạt, xe phun xịt dung dịch trong một năm, máy gặt đập liên hợp trong hai năm. Vui vì có người mua sở hữu trí tuệ của mình danh chánh ngôn thuận, mừng vì đã có người cùng nhau giữ bản quyền rồi; mừng vì có người đủ khả năng đầu tư để phát triển sản phẩm hữu ích”, ông Thắng nói.
Ảnh TL
Thực sự là kỳ công khi vận chuyển máy móc từ các tỉnh miền Tây ra phía Bắc, ông tin rằng sản phẩm làm ra từ đối tác Vinh Phát, chắc chắn sẽ rẻ hơn so giá trong Nam chuyển ra nhờ giảm chi phí vận chuyển.
“Mỗi năm, doanh số của công ty Hoàng Thắng khoảng 30 tỉ đồng, năm nay là 30 cộng tám”, ông Thắng nói số tiền này sẽ giúp công ty Hoàng Thắng mở rộng sản xuất, phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng khu vực miền Trung, Nam bộ và bắt đầu chế thử hệ thống sấy sử dụng năng lượng từ lực hút trái đất.
Đúng cái thị trường cần
Tại Techmart, ông Thắng nghe những câu hỏi: Làm sao để thương mại hoá những sáng chế? Công nghệ xứ mình lạc hậu thì sẽ có công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào cần gì sáng chế “không chuyên”? Được công nhận nhà sáng chế không chuyên nhưng có vốn đâu mà làm? Ông Thắng nói: “Mấy câu này nhức mình, nhức mẩy. Nó như muối xát, kim châm, vì tính từ ngày làm ra thiết bị gieo hạt tới nay đã 15 tuổi, xe phun xịt dung dịch: 12 tuổi, máy gặt đập liên hợp: tám tuổi. Đây lần đầu tìm được đối tác hành động”.
Máy sạ của nông dân Phạm Hoàng Thắng góp sức làm thay đổi suy nghĩ và phương pháp canh tác khi đưa hàng ra trình làng. Nó thay đổi thói quen sạ dày vốn dĩ tốn kém giống, vật tư đối phó sâu bệnh… Ảnh TL
Trước đây, làm một máy cỡ nhỏ, nhưng người mua muốn năng suất phải cao hơn, ông buộc phải làm lớn, công suất máy lớn hơn, chi phí nhiều hơn và ông sẵn sàng gánh thất bại chỉ vì tin rằng sẽ tìm được đối tác.
Các cam kết mở cửa thị trường, máy móc từ nước ngoài tràn vào, trừ những sản phẩm tinh tế, thực ra trên thị trường cũng không ít loại chỉ nhằm mục đích thay thế, giành nhau chỗ đứng chứ ít để ý tới cái khó, những rắc rối của người mua về xài trên vùng đầm lấy, nền đất yếu, không cần để ý thời tiết và lúa đổ ngã. Họ cũng không thấy được hết những rắc rối khi di chuyển, vận hành, tính toán kinh tế sao cho có lợi nhất; và vì vậy máy gặt hiện đại mà rơi vãi, tổn thất không thể khắc phục. Những nhà sáng tạo không chuyên như ông Thắng đã tính toán và tìm cách giải đáp thực tế rắc rối đó.
Ảnh TL
Tính chuyện lớn
Nông dân sáng tạo Phạm Hoàng Thắng góp sức làm thay đổi suy nghĩ và phương pháp canh tác khi đưa máy sạ hàng ra trình làng. Nó thay đổi thói quen sạ dày vốn dĩ tốn kém giống, vật tư đối phó sâu bệnh… sau này người dùng thấy lợi ích nhiều mặt, hiệu quả cụ thể thì mua bán mới dễ dàng. Mục đích của người sáng chế là phải tạo ra lợi ích cho người sử dụng, cho xã hội. Lợi (về giá, giảm chi phí, lợi cho môi trường, lợi nhờ bền vững) nhiều chừng nào thì thương mại hoá nhanh, hiệu quả chừng đó.
Là một trong 63 nhà sáng chế không chuyên gặp gỡ Thủ tướng, được khích lệ tinh thần sáng tạo. Và sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời là ngày 25.7.2015, hiệu trưởng World Record University (Anh quốc), ông Thomas Richard William Bains, đã công nhận các sáng chế máy nông nghiệp và cấp bằng tiến sĩ danh dự cho ông Phạm Hoàng Thắng.
Nhà sáng chế này đang suy nghĩ khác hơn sau khi từ Hà Nội về tới sân bay Trà Nóc, cho biết: “Tôi sẽ tái cấu trúc công ty, lập bộ phận R&D và công ty sẽ thuê giám đốc kinh doanh để tôi cùng bộ phận R&D yên tâm sáng tạo”.
Ông Thắng nói rằng thời gian dài đã qua, vừa nghiên cứu sáng tạo, vừa lo vật lộn với mọi thứ “thử và sai, sai và thử”, tới lúc máy chạy ổn định rồi, lại phải vừa sản xuất vừa kinh doanh, vừa sáng tạo vừa chống nạn ăn cắp sáng chế…
Ảnh TL
Theo Thế Giới Tiếp Thị