Nối những nhịp bờ vui Việt Nam –Campuchia
Gần nhau hơn nhờ những cây cầu
Cầu Long Bình - Chrey Thom nối liền biên giới tỉnh An Giang (Việt Nam) với Kandal (Campuchia) chính thức đưa vào khai thác từ năm 2017. Đây là chiếc cầu nối những nhịp bờ vui giữa người dân 2 nước, chấm dứt những chuyến phà qua lại hai bên biên giới.
Trên chiếc xe gắn máy đi theo đường dẫn lên cầu trong gió chiều mát rượi, anh Hoàng Văn Tám (người dân thị trấn Long Bình) vui vẻ cho biết: “Từ ngày thông xe cầu Long Bình - Chrey Thom, cuộc sống bà con ở đây khá hơn, nhờ mua, bán tạp hóa, phục vụ ăn, uống vào buổi tối. Hiện nay, bà con dựng nhiều ki ốt 2 bên đường để mua, bán, buổi chiều ở đây rất đông vui. Người dân Campuchia sang đây thăm thân, buôn bán, khám chữa bệnh rất đông…”.
Lễ khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom năm 2017. Ảnh: Ngọc Minh |
Bên cạnh đó, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu Khánh Bình - Chrey Thom ngày càng tăng, các mặt hàng xuất nhập khẩu của nhân dân hai bên ngày càng phong phú, đa dạng.
Dịp SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia vừa qua, anh Lê Trọng, TP HCM cùng nhóm bạn của mình khởi hành từ TP.HCM sang Phnom Penh (Campuchia) để cổ vũ U22 Việt Nam. Anh Trọng dậy từ 4h sáng bắt xe ô tô, chưa tới 6h nhóm của anh đã có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài để ăn sáng, đổi đồng riel và làm thủ tục qua cửa khẩu. Từ TP.HCM đến Phnom Penh mất hơn 6 tiếng. Giao thông thuận tiện hai nước, chỉ với 3 ngày 2 đêm và số tiền 3 triệu đồng, mỗi người nhóm anh Trọng đã khám phá hầu hết điểm nổi tiếng của thủ đô Phnom Penh và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.
Được biết, Việt Nam – Campuchia có chung 10 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu chính và 20 cửa khẩu phụ. Hàng loạt công trình hạ tầng kết nối Việt Nam và Campuchia được đưa vào sử dụng trong thời gian qua đã góp phần gia tăng hoạt động giao thương giữa hai quốc gia láng giềng gần gũi.
Ngoài ra, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia vốn tín dụng ưu đãi để hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường 78 tại Campuchia và đoạn nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu Lệ Thanh - Oyadav …
Người dân làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: Ngọc Minh |
Thúc đẩy đầu tư Việt Nam – Campuchia
Tuyến đường cao tốc Phnom Penh-Bavet và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang triển khai ở hai nước chính mở ra những cam kết của các nhà lãnh đạo hai nước.
Được biết cao tốc Phnom Penh-Bavet (giáp với tỉnh Tây Ninh) được Campuchia khởi công vào tháng 6/2023. Đường cao tốc có chiều dài hơn 135km. Điểm khởi đầu là đường vành đai 3 Phnom Penh; đoạn đi qua tỉnh Kandal dài 4,1km; qua tỉnh Prey Veng dài 70,9km và qua tỉnh Svay Rieng đến biên giới dài 60,1km. Kinh phí đầu tư cho dự án khoảng 1,6 tỷ USD.
Theo thiết kế, đường rộng 25,5m với 4 làn xe, mỗi chiều có 2 làn xe. Tuyến cao tốc này được xây dựng nhằm đẩy mạnh kết nối, phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới; đặc biệt là nhằm tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi thương mại giữa Campuchia và Việt Nam, cũng như với các nước trong khu vực.
Còn tại Việt Nam dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được Chính phủ đưa vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM, Tây Ninh và đại diện Bộ Giao thông công chính Vương quốc Campuchia đã họp bàn phương án kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh - Bavet. Dự án có chiều dài hơn 50 km, địa qua địa phận TP.HCM, Tây Ninh. Dự án có điểm đầu giao với đường vành đai 3 và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2023-2027.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết sẽ chọn nơi kết nối 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet qua cặp cửa khẩu hiện hữu (cửa khẩu Mộc Bài và cửa khẩu Bavet). Do đó, phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn 5km đường Xuyên Á (quốc lộ 22) từ cửa khẩu Mộc Bài đến nút giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài lên 10-12 làn xe để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, thông thương hàng hóa giữa hai nước.
Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND Tây Ninh tiếp tục phối hợp Bộ Giao thông công chính Campuchia trong việc nghiên cứu, đề xuất quy hoạch tuyến kết nối. Tính toán phương án và giai đoạn đầu tư phù hợp để kết nối trực tiếp giữa 2 cao tốc khi quốc lộ 22 không còn đáp ứng nhu cầu.
Nếu hoàn thành đúng tiến độ, Tuyến đường cao tốc Phnom Penh-Bavet và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ đảm nhận vai trò là một trong những hành lang phát triển kinh tế, trục đô thị hóa quan trọng của vùng và tuyến giao thông cao tốc xuyên Á kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu và các đô thị của Việt Nam, Campuchia với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN.
“Campuchia mong muốn tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Việt Nam, có thêm các dự án hợp tác đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô…” là quyết tâm được Nguyên Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen khẳng định với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng các doanh nghiệp hai nước có mặt tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2022.
Lời khẳng định của ông Hun Sen có sự tương đồng với tầm nhìn chiến lược được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại diễn đàn, không chỉ kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia mà chúng ta nỗ lực nghiên cứu để xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây kết nối kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt kết nối liên vùng mỗi nước và liên quốc gia.