Nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số
Với đặc thù là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Đắk Nông được đánh giá là địa phương có tỷ lệ người mù chữ cao so với chỉ tiêu của cả nước. Cùng với việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, Đắk Nông xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng.
Bà Triệu Mùi Gỉn (58 tuổi, người dân tộc Dao đỏ) tại thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) hiện tại đã biết đánh vần. |
Ngay từ sáng sớm, bà Triệu Mùi Gỉn (58 tuổi, người dân tộc Dao đỏ) tại thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong đã hối hả dọn dẹp nhà cửa, chọn cho mình bộ quần áo đẹp để đi dự Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ năm học 2022-2023 do Ban Chỉ đạo xóa mù chữ huyện tổ chức. Phấn khởi, háo hức là tâm trạng không chỉ của riêng bà Gỉn khi niềm mong chờ học con chữ đang dần được thực hiện. Bà Gỉn cho biết, do hoàn cảnh gia đình không được đi học, nên bà gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Không biết chữ, xem tivi, điện thoại cũng không hiểu, đi làm giấy tờ bị hạn chế do không có ai giúp đỡ…
“Được học chữ khiến tôi rất phấn khởi. Niềm vui vì bản thân sắp biết chữ là động lực khiến tôi cố gắng hơn. Ban ngày đi làm ruộng không có thời gian ôn bài, ban đêm tranh thủ khi xong việc, tôi lại tập đánh vần đến 12 giờ đêm. Mỗi ngày học thêm được một chút, tôi có niềm tin mình sẽ biết đọc, biết viết”, bà Gỉn phấn khởi chia sẻ.
Năm học 2022-2023, xã Đắk Ha sẽ có 2 lớp học xóa mù chữ dành cho các học viên từ 16-65 tuổi. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho biết, học viên tại lớp xóa mù chữ là đồng bào dân tộc thiểu số, có người từng đi học nhưng đã quên mặt chữ, người chưa từng biết đến con chữ. Nhiệm vụ của giáo viên tại lớp là mỗi tối, đều đặn giảng dạy cho học viên cách đọc, viết và tính toán những phép tính đơn giản.
“Tôi thấy vui và phấn khởi vì làm được việt tốt cho xã hội là mang con chữ đến cho người dân. Từ đó, người dân có thể tham gia các hoạt động sản xuất, công việc cần đến cho chữ, đồng thời, nắm, hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước”, cô Thủy chia sẻ.
Đắk G’long là huyện có tỷ lệ người mù chữ cao nhất tại Đắk Nông. Số người mù chữ ở mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) là 4.550 người (chiếm 10%); mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5) là trên 7.100 người.
Theo bà Đinh Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, để công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả, Phòng Giáo dục huyện phối hợp các UBND xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký học. Năm 2022, huyện ban hành kế hoạch tổ chức khai giảng 17 lớp xóa mù chữ cho hơn 530 học viên tại tất cả các xã trên địa bàn. Trong đó, 7 lớp học hoạt động bằng kinh phí kêu gọi từ nguồn xã hội hóa; 10 lớp tổ chức từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của Trung ương và địa phương. Mục tiêu đặt ra là sẽ giảm tỷ lệ người mù chữ xuống 3%.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong thấy vui và phấn khởi vì làm được việt tốt cho xã hội là mang con chữ đến cho người dân. |
Không chỉ riêng huyện Đắk Glong, nhiều địa phương khác tại tỉnh Đắk Nông vẫn duy trì mở các xóa mù chữ cho người dân. Theo thống kê, năm học 2021-2022, Đắk Nông mở 17 lớp xóa mù chữ cho hơn 500 học viên. Trong đó, Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô là các huyện mở được nhiều lớp với số học viên cao. Tỷ lệ người biết chữ năm 2021 cao hơn cùng kỳ năm 2020 là hơn 17.000 người (khoảng 0,94%). Đến nay, tỉnh có 7/8 huyện đạt chuẩn mức độ 2; một huyện đạt chuẩn mức độ 1.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ. Để làm được điều này, ngành Giáo dục cần thực hiện linh hoạt các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động học phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Ngành xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Thời gian tới, các cấp, ban ngành cần tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư; rà soát, đánh giá và vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ; tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ để chính bản thân họ phát triển giao lưu với cộng đồng xã hội. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham gia tích cực hơn góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội...
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. |
Sóc Trăng: Hơn 100 cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ngày 17/8, tại UBND xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng), Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBND các huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền “Hỗ trợ bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), năm 2022. |