Ninja cuối cùng trên thế giới thi triển công phu ở Sài Gòn
Chiều 14-11, hội trường lớn của đại học Sư Phạm TP.HCM (280 An Dương Vương, Q.5) đã được lấp kín bởi các bạn trẻ đến tham dự buổi nói chuyện Sự thật về ninja. Khi vị ninja Kawakami Jin-ichi bước vào, cả khán phòng ngợp tiếp vỗ tay. Ông vận bộ đồ đen, bước chân thoăn thoắt không một tiếng động về phía chỗ ngồi của mình.
Đây là lần đầu tiên ông Kawakami đến Việt Nam theo chương trình hợp tác văn hóa giữa Đại học Sư Phạm TP.HCM và Đại học Mie.
Đã từ lâu, nhiều người trên thế giới nhìn nhận Ninja như những người mặc đồ đen bí ẩn, có khả năng thi triển những thuật độn thổ, bay lượn… và thực hiện công việc ám sát. Thế nhưng, trái với đám đông, các giáo sư đến từ Đại học Mie lại có các phát hiện đặc biệt về ninja - những con người mà đến chính người dân Nhật Bản còn mơ hồ và nghĩ rằng chỉ có trong truyền thuyết.
Chân dung thật của Ninja
Phát biểu tại buổi nói chuyện, GS Yamada Yuji, người chuyên nghiên cứu về lịch sử tín ngưỡng, cho rằng tên gọi "ninja" chỉ thực sự được xuất phát từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
ông Kawakami Jin-ichi – ninja cuối cùng của Nhật Bản
"Vào thời Edo, ninja được gọi là shinobi và có nhiệm vụ chính là thu thập thông tin tình báo. Nhiệm vụ của họ có thể thay đổi theo giai đoạn và theo lãnh chúa. Thời Edo kết thúc có nghĩa là nhiệm vụ của họ cũng đã chấm dứt." - Ông Yamada chia sẻ.
Cũng theo GS Yamada, hình ảnh về các ninja đã bị các bộ phim hay truyện tranh làm méo mó đi phần nào. Cũng vì vậy, giới nghiên cứu thường gọi ninja là shinobi - nhân xưng chính thức của họ trong thời Edo và đã được ghi trong các tập sách truyền lại.
Bên cạnh các kỹ năng đặc biệt của mình trong việc đột nhập, ám sát… các ninja phải có trí nhớ tốt để ghi nhớ thông tin tình báo, vì thế các nhiệm vụ của ninja không chỉ được thực hiện trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình.
Nhận xét về Ninja trong tập báo cáo Hình tượng thực của shinobi, GS Yamada Yuji nhận định: "Ninja là người hết lòng trung thành với lãnh chúa, nhận thức được bản thân liên quan đến sự tồn vong của quốc gia. Khi hoàn thành nhiệm vụ, phải lùi mình ra sau."
Đồng ý với nghiên cứu của GS Yamada, PGS Yoshimaru Katsuya cũng cho rằng có rất nhiều người đang hiểu sai lệch về hình ảnh ninja: "Chỉ đánh cắp một món đồ gì đó trong trang phục màu đen thì người ấy không phải là một ninja. Thực tế, họ là những nhân vật tình báo xuất chúng, có khả năng đặc biệt trong việc nhìn nhận cục diện và có ảnh hưởng nhất định đến chính trị."
Trước đây, người dân Nhật thường xem ninja là những người đại diện cho cái ác, sự ám muội. Chỉ đến năm 1913, cuốn sách Sarutobi Sasuke của tác giả Tamada Gyokushusai được phát hành mới cho thấy cái nhìn về một Ninja chính nghĩa và hình ảnh đó được lan truyền cho đến ngày nay.
Trò chuyện với chúng tôi, GS Yoshimaru tâm sự: "Vì là một người nghiên cứu về nghệ thuật, văn hóa nên tôi rất hứng thú với hình ảnh ninja. Ninja đã góp phần tạo nên bộ mặt của rất nhiều vùng đất Nhật Bản hiện nay. Ninja là hóa thân của sự hi vọng về những con người có sức mạnh bảo vệ người dân trong hoàn cảnh khó khăn nhất".
Võ thuật chỉ là một phần của Ninja
Có mặt tại buổi giao lưu, ông Kawakami Jin-ichi – ninja cuối cùng của Nhật Bản – cho rằng võ thuật chỉ là một phần của ninjutsu (các kỹ năng đặc biệt của ninja - PV). Một ninja chân chính phải đặt chữ "tâm" lên đầu, không chỉ trong cách chiến đấu mà còn trong cách sống của mình.
Ngay từ nhỏ, ông Kawakami đã được thụ đắc kỹ thuật ninja từ phái Iga và phái Koka. Đây là hai phái ninja nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Để giúp khán giả hiểu thêm về ninja, ông Kawakami đã thi triển những kỹ thuật của mình. Khán giả có mặt tại hội trường đã rất bất ngờ khi ông tự làm mình trật khớp vai và đưa chúng về vị trí cũ. Bên cạnh đó, ông Kawakami cũng giới thiệu một số vũ khí của ninja (phi tiêu, kiếm, thuốc khói…) và biểu diễn chúng trên sân khấu.
Theo GS Yamada Yuji, bên cạnh việc tìm hiểu lại lịch sử ninja, hiện nay các chuyên gia của Đại học Mie đang tích cực nghiên cứu cách hít thở hay phương pháp dinh dưỡng… của ninja để ứng dụng vào thể thao, cải thiện sức khỏe.
TS Cao Lê Dung Chi, Trưởng khoa Nhật Bản học thuộc Đại học Sư Phạm TP.HCM, nhận định: "Chính bản thân chúng tôi khi tổ chức buổi nói chuyện này cũng chỉ mong muốn những sinh viên của mình được tiếp cận với những câu chuyện thú vị về ninja để có hứng thú học tiếng Nhật. Thế nhưng, chúng tôi không ngờ rằng những nghiên cứu về ninja thật sự có giá trị và có tính học thuật cao như vậy. Thông qua các báo cáo này, chúng tôi sẽ có thêm khả năng nghiên cứu đối chiếu về văn hóa, xã hội Nhật Bản trong quá khứ."
Ninja Kawakami: "Với tôi, vai trò của một Ninja đã kết thúc"
Ông có thể cho độc giả biết ông bắt đầu trở thành Ninja từ khi nào không, thưa ông Kawakami?
Kể từ năm lên 6 tuổi, tôi bắt đầu học ninjutsu (các kỹ năng của ninja - PV) thông qua một ông lão trong làng của mình.
Lúc đó, ông dạy tôi nhưng không nói là bí thuật của ninja, trong khi tôi cứ nghĩ rằng đó chỉ là những trò chơi thú vị. Đến năm lớp 3, tôi mới có khái niệm đầu tiên về Ninja nhưng cũng chưa thể hình dung rõ nét được nội hàm thật sự của chúng.
Khi biết tôi quyết định trở thành một ninja, cha mẹ tôi đã ngăn cản rất nhiều, chúng tôi thường xuyên mâu thuẫn với nhau. Chỉ đến sau này, khi dần hiểu rõ về ninja, họ mới yên tâm vì con đường tôi đã chọn.
Từ khi trở thành ninja, cuộc sống của ông có gặp nhiều xáo trộn?
Tôi vừa là một ninja nhưng cũng là một kỹ sư điện tử. Tôi phân bổ thời gian hợp lý để vừa có thể làm công việc của mình, vừa có thể luyện tập các kỹ năng. Chưa bao giờ tôi có ý định sẽ ngưng luyện tập vì các kỹ thuật này không có giới hạn cao nhất.
Vợ tôi là một người Philippine, bà ấy rất bất ngờ với những kỹ năng của tôi. Vì vậy, tôi cũng tránh thi triển chúng ở trong nhà để không phải gây… sốc cho bà ấy và con của mình.
Vì sao ông không truyền dạy các kỹ thuật của mình cho trẻ em?
Theo tôi, trẻ em hiện nay có nhiều thứ đáng để học tập hơn là các bí thuật của ninja. Khoa học, văn học, nghệ thuật… sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng trong xã hội.
Bên cạnh đó, tôi cũng không truyền dạy toàn bộ kỹ thuật cho những người theo học mình mà chỉ dạy họ võ thuật. Khối lượng kiến thức, kỹ năng của một ninja là rất lớn, đòi hỏi người học phải toàn tâm. Điều đầu tiên tôi dạy các môn sinh là phải biết sống hòa hợp với mọi người xung quanh.
Học trở thành ninja là học để trở nên hòa hợp chứ không phải để trở nên mạnh hơn.
Có phải vì ông là người được thừa kế kỹ thuật ninjutsu nhiều nhất nên được mọi người gọi là "ninja cuối cùng"?
Từ "cuối cùng" ở đây có thể hiểu là hiện nay ngoài mình ra, tôi chưa biết một ninja nào khác. Tuy vậy, tôi đã gặp nhiều người có kiến thức uyên bác về ninja, họ là những nhà nghiên cứu tài năng.
Thêm vào đó, với tôi, "cuối cùng" cũng có nghĩa là vai trò của một ninja – shinobi đã thật sự kết thúc cùng với những chuyển biến của thời đại. Vì vậy, tôi cũng cho rằng các nhà chuyên gia đừng nên nghiên cứu về kỹ năng chiến đấu của ninja mà hãy nghiên cứu về ảnh hưởng của họ trong lịch sử và xã hội.
Mai Thụy thực hiện