Ninh Thuận kiên quyết di dời lồng bè nuôi thuỷ sản án ngữ bãi biển Bình Sơn
Ám ảnh lượng rác thải "khổng lồ" của thành phố biển Sầm Sơn 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn "Chợ nấu ăn" nhếch nhác trên bãi biển Vũng Tàu |
Mùa hè, người dân và du khách từ các nơi đổ về biển Bình Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) tắm biển khá đông.
Tuy nhiên, hơn 100 lồng bè nuôi thủy sản đang án ngữ trước bãi tắm Bình Sơn làm mất mỹ quan, nguy cơ ô nhiễm từ các chất xả thải của lồng nuôi ra môi trường biển.
Bãi biển Bình Sơn (Ninh Thuận) đang khiến du khách lo lắng khi thấy hàng trăm lồng bè nuôi thuỷ sản bao vây khu vực bãi tắm. Ảnh: Thảo Ngân. |
Chị Nguyễn Thị Khánh Trang (đến từ tỉnh Lâm Đồng) cho hay, bãi biển Bình Sơn khá đẹp, nhưng chị không khỏi lo lắng khi thấy hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản đang bao vây khu vực tắm.
Các lồng bè này với lượng thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm, cá, cùng rác và chất thải sinh hoạt của lao động trên bè xả xuống biển, theo sóng đánh xô vào bờ, có thể gây bệnh ngoài da khi tắm.
Chia sẻ của chị Trang cũng là nỗi lo lắng chung của nhiều người khi tới tắm biển Bình Sơn. Theo thống kê, hiện có hơn 100 bè, với gần 2.000 lồng nuôi các loại cá bớp, cá chim, tôm hùm của ngư dân, đang tập kết thành một vành đai án ngữ cách không xa bãi biển Bình Sơn.
Dù không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng do nhiều yếu tố, hàng chục năm qua, các lồng bè vẫn hiện diện theo mùa tại khu vực này.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, năm 2013, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản ở vịnh Phan Rang, với 3 tiểu vùng là C1, C2, C3 có tổng diện tích mặt nước 760 ha.
Trong đó, vùng C1, C2 (thuộc huyện Ninh Hải) là vùng biển hở nên vào mùa gió Tây - Nam thổi mạnh (tháng 4 đến tháng 8) các lồng bè thường di chuyển về tránh trú tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ.
Nhiều ngư dân cho hay, vùng C1, C2 chỉ phù hợp nuôi hải sản vào mùa Bấc, còn mùa Nam gặp khó khăn vì đa phần các lồng bè đóng bằng gỗ gắn thùng phuy, nên khả năng chịu lực tác động từ sóng biển không cao, mỗi khi gặp sóng lớn rất dễ bị hư hỏng... phải di chuyển lồng bè, dù công việc này tốn nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng tới quá trình nuôi.
Do lo ngại nguồn nước biển bị ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã vận động, cưỡng chế các bè nuôi thủy sản tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ, buộc di dời về vùng C1, C2 theo quy hoạch.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát các lồng bè di chuyển không được địa phương, đơn vị thực hiện thường xuyên, một phần để ổn định sinh kế cho ngư dân nên vào mùa gió Tây - Nam hằng năm, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tiếp tục di chuyển về khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ để tránh trú vì có điều kiện mặt nước yên tĩnh. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển, không gian bãi tắm khu vực biển Bình Sơn.
Các lồng bè này đã được quy hoạch để di chuyển vào vịnh Phan Rang (Ninh Thuận). Ảnh: Thảo Ngân. |
Đề xuất xử lý nuôi thủy sản lồng bè theo hướng bền vững, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, Sở đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương thử nghiệm, chuyển giao cho ngư dân công nghệ nuôi hải sản bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy.
Loại lồng này có nhiều ưu điểm như chịu được sóng gió lớn phù hợp với vùng biển hở C1, C2; có thể nuôi với thể tích lớn, thuận tiện cho việc kiểm tra, thu hoạch thủy sản.
Về mặt quản lý, căn cứ Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật, theo đó quy định từ ngày 25/4/2020 các loại hình nuôi lồng bè trên biển phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Do đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan cùng phối hợp nghiên cứu vùng nuôi, xác định vị trí tọa độ vùng nuôi lồng bè để làm cơ sở khoa học cấp phép nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân theo quy hoạch.
Để đảm bảo việc nuôi trồng thủy sản đúng vùng quy hoạch và trả lại mỹ quan cho vùng biển Bình Sơn - Ninh Chữ, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận cần sớm kiểm tra và có phương án giải quyết hợp lý, dứt điểm tình trạng người dân di chuyển lồng, bè nuôi làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện để các hộ dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế biển.