Nick Út và những vui buồn trong nghề kể chuyện bằng hình ảnh
Bức ảnh góp phần chấm dứt chiến tranh
Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951. Ông cho biết lý do trở thành phóng viên chiến trường là muốn tiếp nối con đường của người anh Huỳnh Thanh Mỹ cũng là phóng viên chiến trường. Sau khi anh trai bị chết trong lúc tường thuật cuộc chiến, Nick Ut gia nhập hãng thông tấn AP (Associated Press) vào năm 1965 với mong muốn thực hiện di nguyện của anh lúc sinh thời: "Anh hy vọng một ngày nào đó em sẽ chụp được bức ảnh góp phần chấm dứt chiến tranh".
Ở tuổi 71, ông Nick Út vẫn say mê chụp những khoảnh khắc thú vị của cuộc sống. |
Đến năm 1973, kỳ vọng của người anh trai dành cho Nick Út đã thành sự thật khi ông giành được giải thưởng Pulitzer với bức ảnh Em bé Napalm. Bức ảnh được ông chụp vào năm 1972, đã được chọn làm ảnh bìa trên các tờ báo và tạp chí thế giới.
Đây được xem là bức ảnh ám ảnh nhất, thành công nhất của Nick Út. Bức ảnh ghi lại vẻ sợ hãi và đau đớn hiện rõ trên khuôn mặt một nhóm trẻ em chạy khỏi làng trốn bom napalm. Phía sau chúng là khói đen dày đặc bốc lên. Trung tâm ảnh là cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, khỏa thân vừa chạy vừa gào khóc trong đau đớn. Bức ảnh đã thu hút sự chú ý của thế giới và cô trở thành biểu tượng cho sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam.
Dù đã 50 năm trôi qua, nhưng bức ảnh vẫn còn mang giá trị khi cho thế giới biết thảm cảnh của chiến tranh. Từ nhận thức đó, người ta có thể hành động cho những điều tốt đẹp hơn.
Trong thời gian làm phóng viên chiến trường, Nick Út đã ba lần bị bắn khi đưa tin về chiến tranh, nặng nhất là lần trúng đạn ở đùi, nhưng với ông đó là một cái giá khá hời cho việc dấn thân vào nghề đầy mạo hiểm - phóng viên chiến trường.
Ông Nick Út và bà Kim Phúc hội ngộ tại trụ sở chính của hãng thông tấn AP nhân kỷ niệm 50 năm ngày chụp bức ảnh cô bé Napalm. |
Câu chuyện phía sau bức ảnh lịch sử
Nick Út không quên được ngày chụp tấm ảnh cô bé Napalm: "Trước khi chụp tấm ảnh lịch sử đó, tôi nhìn thấy một em bé chết và một em khác bị bỏng toàn thân. Khi tôi nghe thấy những đứa trẻ gào khóc và chạy về phía tôi, tôi đã chụp ngay khoảnh khắc đó. Khi những đứa trẻ đến gần hơn, tôi nghe Kim Phúc hét lên “nóng quá, nóng quá”. Theo bản năng, tôi đặt máy ảnh xuống và đưa nước cho cô ấy uống".
Ông nhớ lại đã đổ một ít nước lên người cô, hy vọng làm dịu cơn đau. Nhưng ngay sau đó, ông chợt nhận ra rằng không nên đổ nước lên vết bỏng nặng. Ông liền dùng chiếc xe tải của AP, chở những đứa trẻ bị thương đến bệnh viện. Để những đứa trẻ được nhận điều trị một cách kịp thời, ông dùng thẻ nhà báo và thúc giục mọi người khẩn trương cứu chữa. Thậm chí ông còn nói: ‘Nếu họ chết, tôi chắc chắn cả thế giới sẽ biết".
Nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, những đứa trẻ may mắn được cứu sống, trong đó có bà Kim Phúc - nhân vật trung tâm của bức ảnh và đang sống ở Canada. Họ xem nhau như những người bạn và đôi khi cùng nhau lan tỏa thông điệp về hoà bình trong những chuyến đi. Trong cuộc hội ngộ tại trụ sở chính của hãng thông tấn AP nhân kỷ niệm 50 năm ngày chụp bức ảnh cô bé Napalm vào tháng 6/2022, bà Kim Phúc nói rằng: cảm ơn ông Út đã ở đó chụp ảnh và hơn cả việc chụp ảnh là cứu chữa cho bà khi đó đang bị bỏng 65%. Dù nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bà vẫn nhớ mọi chuyện như vừa xảy ra hôm qua.
Ông Nick Út và bà Kim Phúc và tấm ảnh lịch sử "Em bé Napalm". |
Năm 1975, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nick Út đến Nhật Bản để làm nhiếp ảnh gia, trước khi được chuyển đến Los Angeles (Mỹ), chụp ảnh cho những người nổi tiếng ở Hollywood.
Ở tuổi 71, ông vẫn tiếp tục làm bạn với chiếc máy ảnh trên những nẻo đường đi qua, vẫn say mê chụp những khoảnh khắc thú vị của cuộc sống, hay những thời điểm quan trọng trong lịch sử nhân loại như phong trào Black Lives Matters, làn sóng người nhập cư từ Trung Mỹ đến Mỹ và các vụ cháy rừng ở California...
Đừng để nhân loại bị huỷ diệt bởi một hiểu nhầm Kể từ khi xung đột tại Ukraine xảy ra, quan chức Nga đã nhiều lần chỉ ra tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân tại Ukraine, làm sống dậy nỗi ám ảnh về bóng ma hạt nhân đối với nhân loại. |
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng dự Hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức Vừa qua, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh và hoà giải tại Việt Nam, Lào và Campuchia: Hàn gắn vết thương chiến tranh”. |